Tag Archives: Phát triển thị trường

Tọa đàm các vấn đề xã hội: Đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp

Những năm gần đây, hệ thống các đơn vị làm công tác quản lý chất lượng ATTP được hình thành, củng cố từ cấp tỉnh đến cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như hoạt động của các cơ sở trong vấn đề chấp hành quy định pháp luật về ATTP.

Thực hiện công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã tích cực triển khai công tác quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp và đạt được những kết quả quan trọng.

Tham gia buổi tọa đàm các vấn đề xã hội với chủ đề “Đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp” do Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái thực hiện có ông Hoàng Văn Toàn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và bà Lâm Thị Kim Thoa – Giám đốc HTX Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã chia sẻ về những vấn đề liên quan đến ATTP như thực trạng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm mất an toàn, không đảm bảo chất lượng, khó tiếp cận các thị trường nước ngoài, những khó khăn mà các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải đối mặt cũng như hướng đi đảm bảo vệ sinh ATTP với phát triển nông nghiệp xanh trong thời gian tới,…

Bà Lâm Thị Kim Thoa chia sẻ: “Với vai trò là một cơ sở sản xuất hàng nông sản mà cụ thể là chè đặc sản Suối Giàng thì bản thân đơn vị hợp tác xã chúng tôi nhận thấy một điều rất rõ đã là sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng sử dụng trực tiếp thì khâu vệ sinh ATTP là khâu bắt buộc và thiết yếu…”

Cùng với sự phát triển của xã hội thì yêu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp ngày càng khắt khe. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường rất đa dạng, phong phú cả về chủng loại và chất lượng. Tuy nhiên, cũng còn có những sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP, một số ít cơ sở với quy mô nhỏ lẻ và nguồn lực hạn chế nên việc thực hiện sản xuất chế biến kinh doanh chưa đảm bảo theo quy định của nhà nước, đặc biệt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên các doanh nghiệp, HTX chưa đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị may móc, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến.

Ông Hoàng Văn Toàn đánh giá về thực trạng sản phẩm nông nghiệp hiện nay: “Thực tế cho thấy những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến ATTP như dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại như hàn the trong chả lụa, dư lượng kháng sinh, chất tăng trưởng, hóa chất bảo vệ thực vật trong trái cây, rau, quả, thịt. Khi tiêu dùng các loại thực phẩm không an toàn, con người đã phải trả giá bằng sức khỏe thậm chí bằng cả tính mạng của mình do bị ngộ độc thực phẩm”

Là tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh như: Chè, quế, gạo, miến đao… Những năm trước đây, sản phẩm nông sản của tỉnh ít được quảng bá, giới thiệu nên không được thị trường biết đến. Ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng, chế biến và phát triển thị trường. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành có liên quan làm tốt công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho các doanh nghiệp, HTX; hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng,… từ đó góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm ngành nông nghiệp.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, tập trung vào nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xây dựng nền nông nghiệp xanh, sản xuất nông nghiệp sạch là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trước đòi hỏi hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững. Và để thực hiện mục tiêu này, vai trò của người tiêu dùng là rất quan trọng, vì vậy mong rằng với những thông tin trong buổi tọa đàm sẽ giúp người tiêu dùng hiểu và cùng chung tay tạo ra một nền nông nghiệp an toàn.

Nguồn: Truyền hình Yên Bái

Hội nghị về công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường chè tỉnh Yên Bái năm 2024

Thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, đồng thời nhằm làm tốt hơn việc quản lý Nhà nước trong sản xuất, chế biến và kinh doanh Chè trên địa bàn tỉnh. Được sự nhất trí của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, ngày 25/6/2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái – Chủ trì Hội nghị

Đến dự tại Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái; phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường – Công an tỉnh; Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế thành phố Yên Bái; Chủ các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh Chè trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ của Chi cục đã đọc báo cáo thực trạng công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024.

Theo đó tỉnh Yên Bái có 7.743 ha trồng chè, trong đó có 626,3 ha diện tích được chứng nhận theo các tiêu chuẩn hữu cơ (266,84 ha), RA (119,7 ha) và VietGap (239,75 ha). Năng suất chè có sự biến động lớn theo từng khu vực sản xuất và mức độ đầu tư thâm canh. Sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt 69.418 tấn. Giá trị sản phẩm chè búp tươi ước đạt trên 300 tỷ đồng. Giá chè búp tươi dao động trong khoảng 2.800 – 60.000 đồng/kg, như: Chè Trung du giá trung bình 2.800 – 3.000 đồng/kg; Chè lai LDP1, LDP2 đạt 3.000 – 4.000 đồng/kg; Chè Shan cành mật độ cao giá 6.500 – 8.000 đồng/kg; Chè nhập nội giá trung bình 15.000 – 18.000 đồng/kg); Chè Shan cổ thụ giá trung bình 22.000 – 25.000 đồng/kg (chè chất lượng cao 1 tôm + 1 lá giá 60.000 đồng/kg)…

Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm

Thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng số cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 73 cơ sở trong đó có 42 cơ sở chế biến chè xanh, 31 cơ sở chế biến chè đen; 63 cơ sở theo đối tượng quản lý của Thông tư số 38; 2 cơ sở theo đối tượng quản lý của Thông tư 17 (cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ); 8 cơ sở chứng nhận HACCP, ISO, RA.

Tổng sản lượng chè khô chế biến từ nguyên liệu sản xuất của tỉnh đạt khoảng 15.500 tấn. Tổng giá trị sản phẩm qua chế biến đạt khoảng 600 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách đạt 21,834 tỷ đồng.

Đến hết năm 2023, có 25 sản phẩm chè của tỉnh Yên Bái đạt sản phẩm OCOP (16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao)

Sản phẩm chè chủ yếu được tiêu thụ thông qua Tổng Công ty Chè Việt Nam, Hiệp hội Chè và các đơn vị trung gian; xuất khẩu trực tiếp và ủy thác còn ở mức thấp. Ngoài ra một số công ty, doanh nghiệp xuất trực tiếp sang các nước như: Nga, Pakistan, Đài Loan, Malaixia, Indonesia,… nhưng thị trường không ổn định.

Giá chè đen trung bình 24.000- 25.000 đồng/kg (cao nhất 40.000 – 45.000 đồng/kg), chè đen sơ chế 16.000- 18.000 đồng/kg. Chè xanh 50.000 – 80.000 đồng/kg, chè nhập nội 150.000 – 250.000 đồng/kg, chè Suối Giàng 300.000 – 800.000 đồng/kg, loại đặc biệt 1.200.000 – 1.500.000 đồng/kg; Chè Shan Gia Hội, Nậm Búng 100.000 – 120.000 đồng/kg. Các sản phẩm có chứng nhận tiêu thụ tương đối thuận lợi và đạt giá cao.

Xuất khẩu trực tiếp trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 4 doanh nghiệp, hợp tác xã như: Công ty TNHH chế biến chè Hữu Hảo, Công ty TNHH chè Bình Thuận, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận xuất khẩu chè đen bán thành phẩm sang thị trường các nước Trung Đông và Công ty TNHH Thực phẩm Phú Tài xuất khẩu chè xanh sang Đài Loan.

Phóng sự toàn cảnh Hội nghị trên Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái: https://yenbaitv.org.vn/yen-bai-trien-khai-cong-tac-quan-ly-chat-luong-che-bien-va-phat-trien-thi-truong-che-nam-2024-100201.media

Đánh giá về thực trạng đối với chế biến chè

Thuận lợi: Một số doanh nghiệp đã quan tâm cải tạo, liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư lắp đặt thiết bị và tăng cường xúc tiến thương mại hướng tới sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho thu mua sản phẩm tiêu thụ nội bộ trong địa bàn tỉnh cũng như tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất tại một số địa phương.

Tồn tại: Đa số các đơn vị chế biến với thiết bị lạc hậu, cơ sở hạ tầng chắp vá, sản phẩm chủ yếu là bán thành phẩm, sản phẩm thô, chất lượng thấp, không đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp mà phải bán cho các đơn vị chế biến trong nước để đấu trộn bán cho các thị trường dễ tính, giá rẻ. Chi phí phục vụ như vật tư, nhân công, nguyên nhiên vật liệu tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra còn thấp. Thị trường tiêu thụ chưa đảm bảo tính bền vững và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Hầu hết các đơn vị chế biến không xây dựng được mối liên kết đầu tư – thu mua nguyên liệu với các hộ trồng chè do đó không có chính sách đầu tư quản lý vùng nguyên liệu từ đó không chủ động được nguyên liệu để sản xuất.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ sở đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chế biến, sản xuất, kinh doanh chè

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã,…. đã chủ động trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh như nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, phân bón,…. để cùng thảo luận và tháo gỡ.

Để công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản nói chung và sản phẩm chè nói riêng được chặt chẽ hơn, góp phần duy trì và phát triển ngành chè của tỉnh, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị: Tăng cường thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến chè ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến chè để tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường, không sử dụng phụ gia, hóa chất cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không đúng đối tượng thực phẩm;..

Tình hình xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và một số thị trường quốc tế

Ai Cập

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam sang thị trường Ai Cập đạt 161,2 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu truyền thống giữ được tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước bao gồm cà phê (kim ngạch xuất khẩu 26,7 triệu USD, tăng 53%), hạt tiêu (7,6 triệu USD, tăng 43,4%),… Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hạt điều đã có sự tăng trưởng trở lại (đạt 4,3 triệu USD, tăng 11%). Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 4 tháng đầu năm 2024 bao gồm thủy sản (8,4 triệu USD, giảm 25,7%), hàng rau quả (3,1 triệu USD, giảm 33,7%), xơ sợi dệt các loại (5,1 triệu USD, giảm 40%) và điện thoại các loại và linh kiện (20,6 triệu USD, giảm 16,3%).

Anh

Theo thống kê sơ bộ của hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 26,4% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 2,2 tỷ USD (tăng 34,7% so cùng kỳ 2023).

4 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 2,47 tỷ USD, tăng 30% so cùng kỳ năm 2023. Tất cả các mặt hàng XK của VN đều tăng khá, dẫn đầu là cao su +125,7%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 98,8%; sản phẩm sắt thép +92,9%; điện dây cáp điện 70,6%; máy móc thiết bị dụng cụ 65,7%, cà phê 45,8%; sản phẩm gốm sứ 37,5%; bánh kẹo ngũ cốc 47,5%;  đồ chơi dụng cụ thể thao +33,7%.

Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn nhất lần lượt là: Điện thoại các loại và linh kiện 20,8%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 18,7%; Giày dép các loại  12,7%; Hàng dệt, may 8,8%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 8,3%; Hàng thủy sản 3,6%; Gỗ và sản phẩm gỗ 3%, sắt thép các loại 3,6%, cà phê 2%.

Chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt hơn 238 triệu USD, giảm -2% so 4 tháng 2023.

Argentina

Về cơ cấu nhập khẩu 4 tháng đầu năm, Nông sản thô và Chế phẩm từ nông sản chiếm tới 99,3% tổng nhập khẩu từ Argentina, lần lượt đạt 518 triệu USD và 483 triệu USD. Xét trên số liệu tổng quan, trong hai nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Argentian là Bột và khô dầu đậu tươngNgô hạt của Argentina, Việt Nam đều là quốc gia nhập khẩu lớn nhất.

Về chiều xuất khẩu của Việt Nam, số liệu INDEC cho thấy đà sụt giảm được ghi nhận trong tất cả các nhóm hàng. Đặc biệt, nhóm hàng Thiết bị và phụ tùng của tư liệu sản xuất giảm tới 92,8% từ 391 triệu USD xuống 28 triệu USD. Trong cùng kỳ năm 2023, nhóm hàng này chiếm tới 72,27% tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyên nhân của việc xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh chủ yếu đến từ nhu cầu yếu và các chính sách hạn chế nhập khẩu của chính phủ Argentina. Thực tế trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu của Argentina từ thế giới đối với tất cả các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam đều giảm mạnh, bao gồm Thủy sản (12 triệu USD, giảm 46,7%), Cao su và chế phẩm cao su (310 triệu USD, giảm 22,4%), Dệt may (377 triệu USD, giảm 26,8%), Da giày (193 triệu USD; giảm 22,7%), Máy móc và các thiết bị điện tử (1,69 tỷ USD, giảm 33,3%).

Nga

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và LB Nga đạt 1,57 tỷ USD, tăng 55,9% so với cùng kỳ năm 2023.

 Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang LB Nga 4 tháng đầu năm đạt 762 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao như: Hàng thủy sản đạt 59,4 triệu USD (tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2023); hạt điều – 23,9 triệu USD (tăng 112,9%); hạt tiêu – 9,9 triệu USD (tăng 121,9%); gạo – 2,7 triệu USD (tăng 285%); bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc – 9,2 triệu USD (tăng 86,8%); hàng dệt may – hơn 259,7 triệu USD (tăng 134,8%); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác – 58,2 triệu USD (tang 68,8%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nga 4 tháng đầu năm 2024 đạt 807 triệu USD, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Những mặt hàng Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ Nga: Than các loại – 391,2 triệu USD (tăng 66%); phân bón các loại – 115,7 triệu USD (tăng 684%); sản phẩm sắt thép – 15,2 triệu USD (tăng 83,2%); cao su 11,8 triệu USD (tăng 46,4%)

Nhật Bản

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản 4 tháng năm 2024 đạt 14,80 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 7,56 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 7,23 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản 330,2 triệu USD.

Tình hình xuất khẩu sang Nhật Bản của một số nhóm hàng 4 tháng năm 2024 như sau:

– Nhóm hàng chế biến, chế tạo: các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là: hàng dệt may (đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,3%); phương tiện vận tải và phụ tùng 925,4 triệu USD, tăng 5,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (864,7 triệu USD, giảm 2,7%); gỗ và sản phẩm gỗ (541,9 triệu USD, giảm 2,4%); giày dép các loại (334,8 triệu USD, giảm 4,8%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (436,4 triệu USD, tăng 30,5%); sản phẩm từ chất dẻo (234,1 triệu USD, tăng 2,5%); điện thoại các loại và linh kiện (507,4 triệu USD, tăng 3,5%); hóa chất (120,9 triệu USD, giảm 14,1%); túi xách, ví, vali, mũ và ô dù (113,9 triệu USD, giảm 4,5%)…

– Nhóm hàng nông, thủy sản: hàng thủy sản (441,1 triệu USD, giảm 0,5 %); cà phê (181,1 triệu USD, tăng 84,2%); hàng rau quả (61,4 triệu USD, tăng 13,3%); hạt điều (18,1 triệu USD, giảm 6,3%); hạt tiêu (4,8 triệu USD, tăng 5,5%); cao su (4,8 triệu USD, tăng 16,1%)…

Tình hình nhập khẩu từ Nhật Bản của nhóm hàng nông, thủy sản: các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: hàng thủy sản (51,4 triệu USD, giảm 8,4%); cao su (50,8 triệu USD, tăng 1,5%)…

Hàn Quốc

Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 25,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó:

– Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 8,2 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới.

– Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 14,7% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới.

– Nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc có giá trị 8,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc như sau: nhóm chế biến, chế tạo (6,9 tỷ USD, tăng 11%); nhóm nông, thuỷ sản (425 triệu USD, tăng 15%); nhóm vật liệu xây dựng (355,2 triệu USD, tăng 11%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (78,4 triệu USD, giảm 17,2%).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc gồm: nhóm chế biến, chế tạo (14,7 tỷ USD, tăng 8%); nhóm nông, thuỷ sản (142,4 triệu USD, tăng 14,1%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (958,1 triệu USD, giảm 18,6%); nhóm vật liệu xây dựng (697 triệu USD, giảm 0,2%).

Đức

Về hoạt động xuất nhập khẩu, theo số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 4 năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức đạt gần 3,65 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt trên 2,57 tỷ USD tăng 2,5%; kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt trên 1,07 tỷ USD, giảm 2,6% so với 4 tháng năm 2023.

Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị tăng, cụ thể: thủy sản đạt trên 58 triệu USD, tăng 3,3%; rau quả đạt 19,85 triệu USD tăng 107,1%; hạt điều đạt trên 38,3 triệu USD, tăng 42,4%; cà phê đạt trên 317,84 triệu USD tăng 54,8%; hạt tiêu đạt trên 26,23 triệu USD tăng 147,2%.

Trung Quốc

Về hoạt động xuất nhập khẩu, theo số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 4 năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức đạt gần 3,65 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt trên 2,57 tỷ USD tăng 2,5%; kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt trên 1,07 tỷ USD, giảm 2,6% so với 4 tháng năm 2023.

Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị tăng, cụ thể: thủy sản đạt trên 58 triệu USD, tăng 3,3%; rau quả đạt 19,85 triệu USD tăng 107,1%; hạt điều đạt trên 38,3 triệu USD, tăng 42,4%; cà phê đạt trên 317,84 triệu USD tăng 54,8%; hạt tiêu đạt trên 26,23 triệu USD tăng 147,2%.

Hà Lan

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hà Lan đã có sự khởi sắc trong 4 đầu năm 2024. Kim ngạch thương mại hai chiều 4 tháng năm 2024 đạt 4,2 tỷ USD, tăng 26 % so với quý 4 tháng năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 26,1 (đạt gần 4 tỷ USD), nhập khẩu tăng 20,9% (đạt gần 224 triệu USD). Một số nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh như cà phê (123,2%), giày dép (62,5%) và các sản phẩm gỗ (48,9%). Các nhóm mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam như: Thủy sản, hạt điều, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,… có tăng nhưng không nhiều, mặt hàng rau quả xuất sang Hà Lan trong 4 tháng năm 2024 giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan trong 4 tháng năm 2024 tăng trưởng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng cao là: Phương tiện vận tải khác và phụ tùng (842%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (208,3%); Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (193,3%).

Nguồn: Các báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại các nước