Thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, đồng thời nhằm làm tốt hơn việc quản lý Nhà nước trong sản xuất, chế biến và kinh doanh Chè trên địa bàn tỉnh. Được sự nhất trí của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, ngày 25/6/2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái – Chủ trì Hội nghị
Đến dự tại Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái; phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường – Công an tỉnh; Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế thành phố Yên Bái; Chủ các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh Chè trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ của Chi cục đã đọc báo cáo thực trạng công tác quản lý chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024.
Theo đó tỉnh Yên Bái có 7.743 ha trồng chè, trong đó có 626,3 ha diện tích được chứng nhận theo các tiêu chuẩn hữu cơ (266,84 ha), RA (119,7 ha) và VietGap (239,75 ha). Năng suất chè có sự biến động lớn theo từng khu vực sản xuất và mức độ đầu tư thâm canh. Sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt 69.418 tấn. Giá trị sản phẩm chè búp tươi ước đạt trên 300 tỷ đồng. Giá chè búp tươi dao động trong khoảng 2.800 – 60.000 đồng/kg, như: Chè Trung du giá trung bình 2.800 – 3.000 đồng/kg; Chè lai LDP1, LDP2 đạt 3.000 – 4.000 đồng/kg; Chè Shan cành mật độ cao giá 6.500 – 8.000 đồng/kg; Chè nhập nội giá trung bình 15.000 – 18.000 đồng/kg); Chè Shan cổ thụ giá trung bình 22.000 – 25.000 đồng/kg (chè chất lượng cao 1 tôm + 1 lá giá 60.000 đồng/kg)…
Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm
Thống kê đến thời điểm hiện tại, tổng số cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 73 cơ sở trong đó có 42 cơ sở chế biến chè xanh, 31 cơ sở chế biến chè đen; 63 cơ sở theo đối tượng quản lý của Thông tư số 38; 2 cơ sở theo đối tượng quản lý của Thông tư 17 (cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ); 8 cơ sở chứng nhận HACCP, ISO, RA.
Tổng sản lượng chè khô chế biến từ nguyên liệu sản xuất của tỉnh đạt khoảng 15.500 tấn. Tổng giá trị sản phẩm qua chế biến đạt khoảng 600 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách đạt 21,834 tỷ đồng.
Đến hết năm 2023, có 25 sản phẩm chè của tỉnh Yên Bái đạt sản phẩm OCOP (16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao)
Sản phẩm chè chủ yếu được tiêu thụ thông qua Tổng Công ty Chè Việt Nam, Hiệp hội Chè và các đơn vị trung gian; xuất khẩu trực tiếp và ủy thác còn ở mức thấp. Ngoài ra một số công ty, doanh nghiệp xuất trực tiếp sang các nước như: Nga, Pakistan, Đài Loan, Malaixia, Indonesia,… nhưng thị trường không ổn định.
Giá chè đen trung bình 24.000- 25.000 đồng/kg (cao nhất 40.000 – 45.000 đồng/kg), chè đen sơ chế 16.000- 18.000 đồng/kg. Chè xanh 50.000 – 80.000 đồng/kg, chè nhập nội 150.000 – 250.000 đồng/kg, chè Suối Giàng 300.000 – 800.000 đồng/kg, loại đặc biệt 1.200.000 – 1.500.000 đồng/kg; Chè Shan Gia Hội, Nậm Búng 100.000 – 120.000 đồng/kg. Các sản phẩm có chứng nhận tiêu thụ tương đối thuận lợi và đạt giá cao.
Xuất khẩu trực tiếp trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 4 doanh nghiệp, hợp tác xã như: Công ty TNHH chế biến chè Hữu Hảo, Công ty TNHH chè Bình Thuận, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận xuất khẩu chè đen bán thành phẩm sang thị trường các nước Trung Đông và Công ty TNHH Thực phẩm Phú Tài xuất khẩu chè xanh sang Đài Loan.

Phóng sự toàn cảnh Hội nghị trên Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái: https://yenbaitv.org.vn/yen-bai-trien-khai-cong-tac-quan-ly-chat-luong-che-bien-va-phat-trien-thi-truong-che-nam-2024-100201.media
Đánh giá về thực trạng đối với chế biến chè
– Thuận lợi: Một số doanh nghiệp đã quan tâm cải tạo, liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư lắp đặt thiết bị và tăng cường xúc tiến thương mại hướng tới sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho thu mua sản phẩm tiêu thụ nội bộ trong địa bàn tỉnh cũng như tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất tại một số địa phương.
– Tồn tại: Đa số các đơn vị chế biến với thiết bị lạc hậu, cơ sở hạ tầng chắp vá, sản phẩm chủ yếu là bán thành phẩm, sản phẩm thô, chất lượng thấp, không đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp mà phải bán cho các đơn vị chế biến trong nước để đấu trộn bán cho các thị trường dễ tính, giá rẻ. Chi phí phục vụ như vật tư, nhân công, nguyên nhiên vật liệu tăng cao trong khi giá sản phẩm đầu ra còn thấp. Thị trường tiêu thụ chưa đảm bảo tính bền vững và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Hầu hết các đơn vị chế biến không xây dựng được mối liên kết đầu tư – thu mua nguyên liệu với các hộ trồng chè do đó không có chính sách đầu tư quản lý vùng nguyên liệu từ đó không chủ động được nguyên liệu để sản xuất.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ sở đã thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chế biến, sản xuất, kinh doanh chè
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã,…. đã chủ động trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh như nguồn nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, phân bón,…. để cùng thảo luận và tháo gỡ.
Để công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản nói chung và sản phẩm chè nói riêng được chặt chẽ hơn, góp phần duy trì và phát triển ngành chè của tỉnh, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị: Tăng cường thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến chè ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến chè để tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường, không sử dụng phụ gia, hóa chất cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không đúng đối tượng thực phẩm;..