Tình hình một số điểm chính về thị trường nông sản tháng 8/2024 như sau:
* Về lúa gạo:
Lúa hè thu: Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm nay ước đạt 1.909,8 nghìn ha, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/8/2024, cả nước thu hoạch được 1.170,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 61,3% diện tích xuống giống và bằng 99,2% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch ước đạt 968,0 nghìn ha, chiếm 65,9% diện tích xuống giống và bằng 98,7% cùng kỳ năm 2023.
Lúa mùa: Tính đến ngày 20/8/2024, cả nước gieo cấy được 1.391,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 994,0 nghìn ha, bằng 99,5%; các địa phương phía Nam gieo cấy 397,2 nghìn ha, bằng 100,5%.
Lúa thu đông: Tính đến ngày 20/8/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 489,1 nghìn ha, bằng 107,4% cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, giá lúa gạo trong nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn khi các doanh nghiệp tập trung tăng cường thu mua để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, cũng như tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nếu tiếp tục giữ đà tăng như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay được dự báo có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới của ngành trồng trọt. Với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều điểm sáng. Chính sách giảm thuế của Philippines được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo, trong khi những bất ổn về nguồn cung của các quốc gia đối thủ tạo ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
* Về rau, củ, quả:
Diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao. Diện tích rau, đậu tăng nhẹ. Diện tích khoai lang tăng do gần đây có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân tăng diện tích trồng mới.
Giá một số loại quả như xoài Cát Chu trung bình đạt 25.500 VNĐ/kg. Giá dưa hấu trung bình đạt 8.750 VNĐ/kg. Giá sầu riêng Ri 6 (loại đẹp) trung bình đạt 75.250 VNĐ/kg. Giá thanh long ruột trắng trung bình đạt 15.333 VNĐ/kg. Giá cà chua trung bình đạt 21.750 VNĐ/kg.
Xuất nhập khẩu theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 4,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 8 tăng tới hơn 60% so với tháng trước đó. Ngoài ra, việc quả bưởi Việt Nam được xuất khẩu sang Hàn Quốc; sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành rau quả tăng trưởng. Xuất khẩu rau quả chế biến có thể lập kỷ lục đạt 1,4 tỷ USD trong năm nay.
* Về cà phê:
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,8 tỉ USD, giảm 12% về lượng và tăng mạnh 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu cà phê tăng do giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 15 ngày đầu tháng 8 vừa qua đạt kỷ lục 5.293 USD/tấn, tăng 2.369 USD/tấn (tương đương tăng 81%) so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường về xuất khẩu hạt cà phê nhân Việt Nam giai đoạn 2024-2033, giá hạt cà phê nhân toàn cầu, đặc biệt là Robusta, đã đạt mức cao nhất trong 15 năm. Các nước xuất khẩu cà phê chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn cầu bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Ethiopia. Việt Nam là nước cung cấp cà phê Robusta chính trên thế giới, nắm giữ vị thế quan trọng trên thị trường hạt cà phê xanh toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành cà phê là một ngành nông nghiệp quan trọng, đặc biệt là đối với việc sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Với điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Việt Nam xuất khẩu khối lượng lớn hạt cà phê nhân, chủ yếu sang các nước tiêu thụ cà phê lớn như Hoa Kỳ, Đức và Ý
* Về chăn nuôi:
Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định. Ước tính tổng số lợn cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2024 tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 3,4%; tổng số bò giảm 0,6%; tổng số trâu giảm 3,5%.
* Về thủy sản:
Sản lượng thủy sản tháng 8/2024 ước đạt 862,3 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 6.090,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.446,5 nghìn tấn, tăng 4%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.643,6 nghìn tấn, tăng 0,9%.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 916 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,32 tỷ USD, tăng 8% so với 7 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú xuất khẩu sang thị trường Nga đạt mức tăng trưởng tốt, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023… Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường giảm như: Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, các tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn: Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Tổng cục Thống kê