Sản xuất nông nghiệp tháng 11 tập trung thu hoạch lúa mùa trên cả nước, gieo trồng cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc và thu hoạch lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động chăn nuôi thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tập trung phát triển đàn lợn và gia cầm bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp lễ, tết cuối năm. Hoạt động khai thác gỗ tiếp tục được đẩy mạnh do nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Sau đây là tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số nông sản chính tháng 11/2024 như sau:
1. Về sản phẩm lúa gạo
Lúa mùa
Tính đến 20/11/2024, cả nước thu hoạch được 1.403,4 nghìn ha lúa mùa, chiếm 90,7% diện tích gieo cấy và bằng 95,7% cùng kỳ năm trước. Tiến độ thu hoạch lúa mùa năm nay muộn hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của bão số 3 nên những diện tích lúa hồi phục sau bão có thời gian sinh trưởng kéo dài hơn trung bình hằng năm.
Theo báo cáo đánh giá của các địa phương, năng suất gieo trồng lúa mùa của hầu hết các tỉnh miền Bắc đều giảm từ 8-10%; trong đó, một số địa phương có năng suất giảm mạnh như Hải Phòng giảm gần 50%; Hưng Yên giảm 43%; Bắc Ninh giảm 16%. Do năng suất giảm sâu nên sản lượng lúa mùa miền Bắc ước tính đạt 7,86 triệu tấn, giảm 535,9 nghìn tấn so vụ mùa năm 2023.
Lúa thu đông
Diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2024 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 717,9 nghìn ha, tăng 22 nghìn ha so với vụ thu đông năm trước do nhiều địa phương chủ động được nguồn nước, vệ sinh đồng ruộng để tranh thủ xuống giống mở rộng diện tích. Tính đến ngày 20/11/2024, toàn vùng thu hoạch được 414,3 nghìn ha lúa thu đông, chiếm 57,7% diện tích gieo cấy và bằng 103,2% cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa thu đông ước đạt 57,9 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ thu đông năm trước; sản lượng ước đạt 4,2 triệu tấn, tăng 118,5 nghìn tấn.
Lúa đông xuân
Tính đến ngày 20/11/2024, các địa phương phía Nam gieo cấy được 500,3 nghìn ha lúa đông xuân sớm, bằng 129,9% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 498,6 nghìn ha, bằng 130,1%. Tiến độ gieo trồng lúa đông xuân nhanh hơn cùng kỳ năm trước do giá lúa ổn định ở mức cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông sớm, bà con nông dân đã khẩn trương xới, dọn đất để xuống giống sản xuất vụ lúa đông xuân. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân tăng cao như Cần Thơ tăng 39,7 nghìn ha; Kiên Giang tăng 28,7 nghìn ha; Vĩnh Long tăng 13,2 nghìn ha; Bạc Liêu tăng 11,0 nghìn ha
2. Về rau, củ, quả:
Sản lượng rau các loại tính đến tháng 11/2024 đạt 17.281 nghìn tấn, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến sản lượng sau các loại năm 2024 sẽ đạt 18.648 nghìn tấn.
Vụ đông năm nay tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao, thực hiện thâm canh rải vụ, nâng cao chất lượng để tăng giá bán sản phẩm, đặc biệt, tập trung vào sản xuất các loại cây có thị trường đầu ra ổn định như ngô, khoai lang, rau đậu

Diện tích gieo trồng một số cây hàng năm (Số liệu tính đến 20/11/2024)
Tháng 11 có thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau các loại khá dồi dào, giá cả cũng có sự biến động tùy theo từng loại
– Một số loại quả có năng suất và giá trị cao như sầu riêng, thanh long:
+ Sầu riêng: Dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 1.254,5 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở Tiền Giang, Đắk Lắk. Giá sầu tăng cao so với tháng trước do sản lượng thu hoạch sầu giảm đáng kể khi sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận, trong khi sầu riêng các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ vào vụ nghịch. Tại Tiền Giang, giá thu mua sầu riêng Ri6 loại 1 ở mức 88.000 đồng/kg, tăng 18.000 đồng/kg so với tháng 10/2024; giá sầu riêng Monthong 124.524 đồng/kg, tăng 44.524 đồng/kg
+ Thanh Long: Dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 1.119 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An. Giá thanh long giảm so với tháng trước do mức độ tiêu thụ thanh long đang chậm, kèm theo sản lượng dư thừa nên giá giảm. Mặt khác, tình hình thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến chất lượng thanh long, khiến giá không còn cao như các mùa chong đèn trước. Ví dụ, tại Đồng Nai, giá thu mua thanh long ruột đỏ bình quân ở mức 17.375 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với tháng 10/2024; tại Tiền Giang giá thu mua thanh long ruột đỏ 27.000 đồng/kg, giảm 3.857 đồng/kg; giá thanh long ruột trắng 22.000 đồng/kg, giảm 2.810 đồng/kg.
3. Về sản phẩm chè:
Sản lượng chè tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Nghệ An (tỉnh Yên Bái đứng 7 trên cả nước), dự kiến sản lượng chè năm 2024 sẽ đạt 1.250,5 nghìn tấn
Giá chè cả nước tăng so với tháng trước. Tại vùng chè Phú Lương, Thái Nguyên giá thu mua chè búp tươi bình quân 52.500 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tháng 10/2024. Tại Lâm Đồng giá thu mua chè cành 10.967 đồng/kg, tăng 1.117 đồng/kg; chè hạt ở mức 8.983 đồng/kg, tăng 313 đồng/kg.
4. Về cà phê, hạt tiêu:
– Cà phê: Dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 3.449 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm so với tháng trước còn khoảng 110.000 – 120.000 đồng/kg do các vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch, cuối năm nguồn cung tăng trở lại. Cụ thể, giá thu mua cà phê nhân xô bình quân tại Đắk Lắk ở mức 110.000 đồng/kg, giảm 6.400 đồng/kg so với tháng 10/2024; tại Lâm Đồng 112.100 đồng/kg, giảm 3.200 đồng/kg.
– Hạt tiêu: Giá tiêu giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể: Tại Đồng Nai giá thu mua hạt tiêu đen bình quân ở mức 141.000 đồng/kg, giảm 6.250 đồng/kg so với tháng 10/2024; tại Bình Phước ở mức145.000 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg.
5. Về chăn nuôi và các sản phẩm thịt
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Hiện tại giá lợn hơi đang ở mức cao và là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ, tết sắp tới. Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ trong nước, cần thực hiện quyết liệt đồng thời nhiều biện pháp, chính sách phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vắc xin; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, không rõ nguồn gốc nhằm đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Tốc độ tăng/giảm số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 11/2024 so với cùng thời điểm năm trước
– Lợn: Đàn lợn phát triển ổn định và tăng đều ở hầu khắp các địa phương, các cơ sở chăn nuôi đang tập trung vào đàn để chuẩn bị nhu cầu sản lượng sản phẩm xuất chuồng dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Giá thịt lợn hơi bình quân đồng loạt giảm ở nhiều tỉnh thành. Cụ thể: giá thu mua lợn hơi bình quân tại Hưng Yên ở mức 64.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với tháng 10/2024. Tại Đồng Nai 61.750 đồng/kg, giảm 3.250 đồng/kg; tại An Giang là 64.000 đồng/kg, giảm 227 đồng/kg; Vĩnh Long 60.778 đồng/kg, giảm 2.607 đồng/kg.
– Gia cầm: Đàn gia cầm vẫn giữ ở mức ổn định, công tác tiêm phòng được quan tâm nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Nhiều cơ sở đã mở rộng quy mô chăn nuôi. Giá gà công nghiệp tháng 11 vẫn tiếp diễn đà tăng của tháng 10 trong bối cảnh nguồn cung gà khan hiếm.
– Bò: Đàn bò giảm ở hầu hết các địa phương do diện tích đồng cỏ chăn nuôi giảm, giá thu mua thịt bò hơi bình quân tại các tỉnh phía Nam không có biến động lớn so với tháng trước. Cụ thể: giá thu mua thịt bò hơi bình quân tại Đồng Nai giao dịch ở mức 76.250 đồng/kg, tăng 375 đồng/kg so với tháng 10/2024; Vĩnh Long giữ ổn định ở mức 86.000 đồng/kg.
Tính đến ngày 25/11/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Long An; dịch lở mồm long móng còn ở Cao Bằng và Lào Cai; dịch viêm da nổi cục còn ở Đồng Tháp và dịch tả lợn châu Phi còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày.
6. Về thủy sản
Sản lượng thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 864,8 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá ước đạt 598,6 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm ước đạt 144,0 nghìn tấn, tăng 6,9%; thủy sản khác ước đạt 122,2 nghìn tấn, tăng 2,6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Mười Một ước đạt 576,9 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 382,5 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 130,7 nghìn tấn, tăng 7,7%.
Sản lượng cá tra tháng Mười Một ước đạt 185,6 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá cá tra nguyên liệu tăng nên hộ nuôi và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để chế biến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Sản lượng tôm tháng Mười Một tăng so với cùng kỳ năm trước do giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tiếp tục tăng nên người nuôi đẩy mạnh thu hoạch. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 96,0 nghìn tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 26,1 nghìn tấn, tăng 5,7%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng Mười Một ước đạt 287,9 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 216,1 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 13,3 nghìn tấn, bằng cùng kỳ năm trước; thủy sản khác đạt 58,5 nghìn tấn, tăng 0,9%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước

Sản lượng thủy sản 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023
Tính chung mười một tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 8.754,6 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 6.126,9 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 1.370,0 nghìn tấn, tăng 4,8%; thủy sản khác đạt 1.257,7 nghìn tấn, tăng 1,2%
Nguồn: Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Tổng cục Thống kê