Bản tin thị trường nông sản tháng 7/2024

Trong 7 tháng năm 2024, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.

Sau đây là tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của một số sản phẩm chính:

* Về sản phẩm lúa gạo:

Diện tích gieo trồng lúa cả nước tính đến tháng 7 năm 2024 đạt 6,25 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đạt 25,04 triệu tấn, tăng 2%, trong đó tập trung chủ yếu ở vụ Đông Xuân 2024 (chiếm 80%).

Giá thu mua lúa bình quân tại một số tỉnh ĐBSCL giảm so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: tại An Giang giá thu mua lúa IR50404 ướt bình quân ở mức 6.833 đồng/kg, giảm 442 đồng/kg so với tháng 6/2024; lúa OM5451 tươi 6.889 đồng/kg, giảm 440 đồng/kg; tại Kiên Giang giá thu mua lúa OM5451 bình quân ở mức 6.917 đồng/kg, giảm 658 đồng/kg

* Về sản phẩm rau củ:

Sản lượng rau các loại 7 tháng năm 2024 đạt 11.307 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến sản lượng rau các loại 8 tháng đạt 12.471 nghìn tấn.

Diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết không thuận lợi. Riêng diện tích khoai lang tăng nhẹ do có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Do thị trường tiêu thụ mạnh nên giá thu mua rau, củ bình quân trong tháng như cà chua, ớt sừng, ớt chuông, đậu cô ve,… đều tăng so với tháng 6/2024. Ví dụ như tại Lâm Đồng: cà chua (giống Rita) 21.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg; ớt sừng 22.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; ớt chuông Đà Lạt màu đỏ 31.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; đậu cô ve 15.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg, ngược lại, một số nông sản tiêu thụ giảm nên giá bình quân giảm như: su su, su hào, …đều giảm so với tháng 6/2024, cụ thể: su su 5.500 đồng/kg, giảm 2.500 đồng/kg

* Về một số loại quả:

Sầu riêng: Dự kiến sản lượng sầu riêng tháng 8/2024 đạt 222,5 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở Đắk Lắk , Tiền Giang và Lâm Đồng, dự kiến 8 tháng năm 2024 sẽ đạt 807 nghìn tấn. Tại Tây Nam bộ và Đông Nam Bộ, tháng 7 đang là cuối vụ thu hoạch nên nguồn cung hạn chế, đẩy giá lên cao, cụ thể: Tại Tiền Giang, sầu riêng Ri6 loại 1 bình quân ở mức 73.333 đồng/kg, tăng 7.200 đồng/kg so với tháng 6/2024; sầu riêng Monthong loại 1 bình quân tại ở mức 88.000 đồng/kg, tăng 7.200 đồng/kg.

Thanh long: Sản lượng thanh long dự kiến tháng 8/2024 đạt 59,7 nghìn tấn, chủ yếu nhiều nhất ở Bình Thuận và 8 tháng năm 2024 dự kiến đạt 701,1 nghìn tấn. Tháng 7, giá thu mua thanh long giảm so với tháng trước do bước vào mùa thuận, sản lượng trái tăng trong khi đó vào mùa mưa cây thanh long hay bị nhiễm bệnh, chất lượng quả giảm nên đầu ra khó khăn, cụ thể: tại Tiền Giang giá thu mua thanh long ruột đỏ bình quân ở mức 21.200 đồng/kg, giảm 8.800 đồng/kg so với tháng 6/2024; thanh long ruột trắng bình quân ở mức 18.553 đồng/kg, giảm 5.134 đồng/kg.

Xoài: Sản lượng xoài dự kiến tháng 8 đạt 75,7 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở tỉnh Sơn La, dự kiến sản lượng 8 tháng năm 2024 đạt 797,5 nghìn tấn. Giá thu mua giá xoài tháng 7 ở mức cao so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thất thường ảnh hưởng đến sản lượng xoài, ngoài ra nhiều nông dân chuyển sang trồng mít và sầu riêng dẫn đến nguồn cung thấp hơn năm trước, thêm vào đó nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng mạnh nên giá xoài ở mức cao. Cụ thể, tại Tiền Giang giá thu mua xoài Cát Chu bình quân ở mức 44.000 đồng/kg, tăng 933 đồng/kg so với tháng 6/2024; giá thu mua xoài cát Hòa Lộc bình quân ở mức 64.667 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg

Nhãn: Sản lượng nhãn tháng 8 dự kiến đạt 154 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Sơn La và Hưng Yên, dự kiến 8 tháng năm 2024 đạt 432,5 nghìn tấn. Tháng 7 đang vào chính vụ thu hoạch nên giá thu mua bình quân có sự biến động không ổn định. Ví dụ tại Hưng Yên hiện có một số giống nhãn đặc sản như: nhãn cùi cổ, nhãn cùi vân, nhãn đường phèn, được đông đảo khách hàng, thương lái đặt mua, giá thu mua nhãn dao động khoảng 34.000 – 35.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg so với tháng 6/2024; ngược lại. Tại Tiền Giang giá nhãn tiêu da bò loại 1 bình quân ở mức 16.400 đồng/kg, giảm 4.067 đồng/kg; giá nhãn xuống cơm vàng 33.667 đồng/kg, giảm 4.400 đồng/kg.

* Về sản phẩm chè:

Dự kiến sản lượng chè 8 tháng năm 2024 đạt 858,2 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng.

Tháng 7 năm 2024, giá chè trên cả nước tiếp tục giữ ổn định so với tháng trước. Tại vùng chè Phú
Lương, Thái Nguyên giá thu mua chè búp tươi bình quân 30.000 đồng/kg, không biến động so với tháng 6/2024. Tại Lâm Đồng giá thu mua chè cành bình quân ở mức 9.800 đồng/kg; chè hạt ở mức 5.600 đồng/kg

* Về chăn nuôi và sản phẩm thịt:

Thịt lợn: Đàn lợn đạt 25.874,2 nghìn con, có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ khá ổn định, giá bán tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7 năm 2024 tăng khoảng 3% so với cùng thời điểm năm 2023. Gia thu mua lợn hơi bình quân có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm. Cụ thể: giá thu mua lợn hơi bình quân tại Nam Định 62.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam giá thu mua lợn hơi cũng cùng xu hướng giảm, tại Đồng Nai ở mức 66.000 đồng/kg, giảm 2.250 đồng/kg; tại An Giang là 64.222 đồng/kg, giảm 3.622 đồng/kg

Thịt bò: Đàn bò trong tháng giảm chủ yếu do điều kiện chăn nuôi khó khăn, chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận mang lại thấp, dẫn đến việc giảm số lượng đầu con. Tổng số bò của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 7 giảm 0,4% so với cùng thời điểm năm 2023. Giá thu mua thịt bò hơi bình quân tại các tỉnh phía Nam không có biến động lớn so với tháng trước. Cụ thể: giá thu mua thịt bò hơi bình quân tại Đồng Nai giao dịch ở mức 75.750 đồng/kg, giữ nguyên so với tháng 6/2024; Vĩnh Long giữ ổn định ở mức 86.000 đồng/kg

Thịt gà: Đàn gia cầm tiếp tục phát triển mạnh do hiện tại chăn nuôi gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao mà chi phí đầu vào thấp vì có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Tổng số gia cầm của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 7 đạt 564.248,2 nghìn con, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gà công nghiệp tại các tỉnh phía Nam tăng so với tháng trước. Cụ thể: giá thu mua gà công nghiệp bình quân tại Đồng Nai ở mức 29.125 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tháng 6/2024; giá thu mua gà công nghiệp lông màu bình quân 48.375 đồng/kg, tăng 254 đồng/kg. Giá trứng gà tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể: Tại Đồng Nai giá thu mua trứng gà ta bình quân ở mức 28.000 đồng/chục quả, tăng 375 đồng/chục quả so với tháng 6/2024; giá thu mua trứng gà công nghiệp bình quân 23.750 đồng/chục quả, tăng 4.250 đồng/chục quả.

* Về lâm nghiệp:

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 7/2024 ước đạt 13,8 nghìn ha, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,5 triệu cây, tăng 4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.945,7 nghìn m3, tăng 7,8%; diện tích rừng bị thiệt hại là 80,5 ha, giảm 61,1%. Tính chung bảy tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,1 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.303,0 ha, giảm 5,3%.

* Về sản phẩm thủy sản:

Sản lượng thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 841,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.922,1 nghìn tấn, tăng 3,9%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.303,7 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Cá tra: Sản lượng cá tra tháng 7 đạt 971 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, tỉnh có sản lượng tăng nhiều nhất là Long An (81,8%), Tiền Giang (49,9%), tỉnh có sản lượng giảm nhiều nhất là Bến Tre (-62,8%). Giá thu mua cá tra tại ĐBSCL duy trì ở mức trầm lắng, dao động ở mức 26.000-27.000 đồng/kg. Cụ thể giá thu mua cá tra cỡ lớn bình quân tại Vĩnh Long ở mức 27.539 đồng/kg, giảm 294 đồng/kg so với tháng 6/2024; tại Đồng Tháp ở mức 26.400 đồng/kg, giảm 460 đồng/kg. Theo khảo sát, các công ty lớn chủ yếu bắt cá nhà nuôi, một số công ty gia công có nhu cầu mua cá cỡ lớn trên 1,2kg song do lượng cá có ít nên giao dịch không tăng mạnh

Cá ngừ: Sản lượng cá ngừ đạt 13.014 nghìn tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá ngừ tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể: giá cá thu mua cá ngừ đại dương loại 30 kg/con bình quân tại Khánh Hòa ở mức 117.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng/kg so với tháng 6/2024; tại Phú Yên giữ ổn định ở mức 95.000 đồng/kg.

Tôm sú: Sản lượng tôm sú đạt 152 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỉnh Bạc Liêu tăng nhiều nhất (18,9%), tỉnh Bến Tre giảm nhiều nhất (-13,1%). Giá thu mua tôm sú tại ĐBSCL giảm so với tháng trước do thời tiết mưa nhiều làm chậm tiến độ thu hoạch, thêm vào đó một số ao nuôi gặp sự cố nên tôm không đạt tiêu chuẩn giao về các nhà máy lớn, cụ thể: Giá thu mua tôm sú loại 30 con/kg tại Bạc Liêu bình quân ở mức 155.000 đồng/kg, giảm 1.042 đồng/kg so với tháng 6/2024; tại Kiên Giang 161.667 đồng/kg, giảm 17.083 đồng/kg.

Tôm đang vào vụ nên sản lượng thu hoạch lớn, cùng đó, các công ty thu mua tôm xuất khẩu giảm sản lượng do hoạt động xuất khẩu tôm của doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn do nhu cầu thị trường chậm, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do giá cước vận tải tăng và thiếu container, căng thẳng Biển Đỏ. Nguồn cung dư thừa khiến giá bán giảm mạnh, điều này cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng duy trì hoạt động bền vững của người nuôi. Theo các chuyên gia, giá tôm nguyên liệu có khả năng sẽ tăng trở lại vào tháng 8 khi qua vụ thu hoạch chính ở các nguồn cung trên thế giới, nhu cầu từ các thị trường tích cực hơn chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm.

* Về xuất khẩu nông lâm thủy sản: 

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng cao hơn cùng kỳ năm trước đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 lên 34,27 tỷ USD, tăng 18,8%; xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước ước đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8%; nhập khẩu 24,85 tỷ USD; xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông lâm thủy sản trong tháng 7/2024 đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng 7/2023; trong đó, nông sản chính 2,62 tỷ USD (tăng 25,2%), lâm sản 1,4 tỷ USD (tăng 15,8%), thủy sản 880 triệu USD (tăng 13,2%), chăn nuôi 47,4 triệu USD (tăng 9,3%). Riêng đầu vào sản xuất 154 triệu USD (giảm 19,9%). Tính chung 7 tháng năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 34,27 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi 288 triệu USD, tăng 4,8%. Riêng đầu vào sản xuất 1,07 tỷ USD, giảm 4,2%.

Đáng chú ý, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 8,78 tỷ USD (tăng 21,9%); Gạo 3,27 tỷ USD (tăng 25,1%) với lượng 5,18 triệu tấn (tăng 5,8%); Tôm 2 tỷ USD (tăng 7,5%); Cá tra 1,02 tỷ USD (tăng 7,1%).

Về thị trường, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng lên. Trong đó xuất khẩu sang châu Á 16,3 tỷ USD (tăng 16,9%); châu Mỹ 7,9 tỷ USD (tăng 20,5%); châu Âu 4,2 tỷ USD (tăng 29,6%); châu Phi 638 triệu USD (tăng 7,9%) và châu Đại dương 476 triệu USD (tăng 14,2%). Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21,1%, tăng 21,6%; Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 11,3% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 4%.

Bên cạnh đó, nhập khẩu nông lâm thủy sản từ châu Mỹ và châu Âu tăng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu nhóm nông lâm thủy sản vào Việt Nam trong 7 tháng qua đạt 24,85 tỷ USD, tăng 8,2%. Trong đó, nông sản 15,27 tỷ USD, tăng 7,6%; sản phẩm chăn nuôi 2,09 tỷ USD, tăng 5,4%; thủy sản 1,44 tỷ USD, giảm 3,8%; lâm sản 1,55 tỷ USD, tăng 20,8%; đầu vào sản xuất 4,48 tỷ USD, tăng 12,3%; muối 21,4 triệu USD, giảm 16,6%.

Về thị trường, giá trị nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản từ châu Á 7,4 tỷ USD, tăng 10,3%; châu Mỹ 6,3 tỷ USD, tăng 20,5%; châu Đại dương 960 triệu USD, giảm 42,4%; châu Âu 1,1 tỷ USD, tăng 19,6% và châu Phi 798 triệu USD, giảm 25,4%.

Nguồn: Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp; Tổng cục Thống kê; Tạp chí Công thương

Bài viết liên quan:

Bản tin thị trường nông sản tháng 2/2025

Bản tin thị trường nông sản tháng 1/2025

Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Đưa nông sản lên sàn thượng mại điện tử

Bản tin thị trường nông sản tháng 11/2024

Rau quả Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế