Author Archives: Phòng Nghiệp vụ

Công khai danh sách chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn năm 2023

Công tác xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn năm 2023: Cấp 02 giấy xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn cho sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định, cụ thể là chuỗi thịt lợn sấy và thịt trâu sấy.

Danh sách các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn như sau:

Quyết định 195/QĐ-SNN về ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm

Ngày 10/11/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 195/QĐ-SNN về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với phòng, đơn vị và công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái.

Nội dung chi tiết Quyết định và Quy chế như sau:

Yên Bái phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2030

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Huy Tuấn vừa ký ban hành quyết định số 2015/QĐ-UBND ngày 03/11/2023 về việc phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 – 2030″

Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 – 2030” đưa ra mục tiêu tổng quát là đổi mới căn bản, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước. Tạo lập và hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số, đưa chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các mặt của đời sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân. Xây dựng mô hình chuyển đổi số của tỉnh vừa đáp ứng các tiêu chí chung chuyển đổi số theo định hướng của Trung ương, vừa thể hiện những đặc trưng riêng của tỉnh Yên Bái “chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn”. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành cơ bản những chỉ tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đưa thứ hạng chỉ số chuyển đổi số tỉnh Yên Bái vào nhóm 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; ứng dụng sâu các công nghệ số mới trên cả ba trụ cột của chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phấn đấu nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số tỉnh Yên Bái (DTI) vào nhóm 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đề án đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các lĩnh vực cụ thể gồm: nhận thức số; thể chế số; hạ tầng số; nền tảng và dữ liệu số; nhân lực số; chính quyền số; kinh tế số; xã hội số; các lĩnh vực ưu tiên theo Chương trình hành động số 15/CTr-UBND ngày 26/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái; đảm bảo an toàn thông tin mạng phục vụ chuyển đổi số; tích hợp các chính sách, dự án, đề án chuyển đổi số khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh.  

Nội dung chi tiết đề án như sau:

Kế hoạch 32/KH-CCQLCL về triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thực hiện Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở;
Thực hiện Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 30/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và Kế hoạch số 83/KH-SNN ngày 20/10/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái về triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản ban hành Kế hoạch số 32/KH-CCQLCL ngày 27/10/2023 về triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cụ thể như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính đối với Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc

Thực hiện Quyết định số 78/QĐ-CCQLCL ngày 04/10/2023 của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản về Quyết định thành lập Đoàn thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngày 10/10/2023 Đoàn thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm tiến hành thẩm định cấp giấy chứng nhận tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, địa chỉ tại Thôn Ngã Ba, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đại diện pháp lý của cơ sở là ông Giàng A Ly – Phó giám đốc (có Giấy uỷ quyền số 04/UQ-TB ngày 09/10/2023).

Trong quá trình kiểm tra, thẩm định xếp loại cơ sở. Đoàn thẩm định thấy Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc đã có hành vi vi phạm hành chính, cụ thể: Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã lập biên bản và gửi hồ sơ về Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính ATTP trong chế biến chè.

Ngày 16/10/2023, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc số tiền 12.000.000 đồng (Mười hai triệu đồng) theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính về ATTP.

 

 

Yên Bái: Xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Anh Quốc

Sáng ngày 26/7/2023, được sự nhất trí của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Công ty cổ phần R.Y.B tổ chức Lễ xuất hàng sản phẩm nông sản tỉnh Yên Bái sang thị trường Anh Quốc.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm an toàn, có chất lượng, đến nay tỉnh Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh có quy mô lớn với các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thuỷ sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu.

Cùng với đó, các hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic (hữu cơ)…đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm, áp dụng.

Nhận thấy tiềm năng lợi thế đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước Châu Âu (Anh Quốc, Pháp, Đức,…), đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng Châu Âu, bước đầu lựa chọn các sản phẩm nông sản chủ lực tiểu biểu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc thuộc các đơn vị như: Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung; HTX quế Khánh Thành; HTX sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng; HTX Suối Giàng; HTX Việt Hải Đăng; HTX sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên. Các sản phẩm đã được kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng, thiết kế bao bì tem nhãn mác theo tiêu chuẩn Châu Âu, hoàn thiện đầy đủ thủ tục giấy tờ cần thiết cho xuất khẩu.

Tuy tổng giá trị hàng hóa chưa cao nhưng có thể nói đây là kết quả bước đầu để đưa chất lượng sản phẩm nông sản đặc sản chủ lực của tỉnh vươn xa ra nước ngoài. Đó là một thành công lớn của ngành nông nghiệp Yên Bái nói chung và của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nói riêng.

Phóng sự đưa tin về buổi lễ do Đài Truyền hình Yên Bái thực hiện:

https://yenbaitv.org.vn/10-san-pham-nong-san-tinh-yen-bai-xuat-khau-sang-thi-truong-anh-92781.media?fbclid=IwAR2HoC50_gyq8E-vYgkfvAnA6Vb4DZ6ndvDc_coujRJADkKH8hMQkjSQ-8Y

Thành quả của sự nỗ lực ấy là sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tỉnh; Sự vào cuộc của các Sở, ban, ngành, cơ quan quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; Sự quan tâm chỉ đạo của Chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự hướng dẫn, quan tâm của Công ty cổ phần R.Y.B và phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện; phòng Kinh tế thị xã, thành phố.

Nhằm động viên tinh thần, tạo động lực cho các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc sản, chủ lực của tỉnh. Sáng ngày 26/7/2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản long trọng tổ chức ” Lễ xuất hàng sản phẩm nông sản tỉnh Yên Bái xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc”

Với sự khởi đầu thuận lợi và đầy phấn khởi này, chúng ta hi vọng nông sản tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục ngày càng phát triển và mở rộng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của đất nước và tỉnh nhà, giúp ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân cũng như khẳng định giá trị bền vững của chất lượng nông sản Yên Bái trên thị trường thế giới.

Xác minh thông tin khiếu nại về thực phẩm không đạt chuẩn tại Yên Bái

Ngày 04/7/2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái nhận được Công văn số 270/ATTP-NV của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về việc trả lời khiếu nại về thực phẩm không đạt chuẩn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thực tế tại địa phương và tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh theo lĩnh vực quản lý. Kết quả cụ thể như sau:

1. Tiến hành xác minh thực tế tại huyện Yên Bình về địa chỉ sản xuất, sản phẩm của cơ sở theo phản ánh đã nêu trên.

– Về hình ảnh bao bì sản phẩm Lạp sườn hun khói – Đặc sản vùng cao My Meat có ghi địa chỉ tại “TT. Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái”; và hình ảnh bao bì sản phẩm Trâu khô gác bếp có ghi địa chỉ: “Cơ sở 1: Tổ 8, TT Yên Bình, tỉnh Yên Bái”.

Đoàn kiểm tra, xác minh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, Uỷ ban nhân dân thị trấn Yên Bình, tổ trưởng Tổ dân phố 8 thị trấn Yên Bình, kết quả cho thấy trên địa bàn thị trấn Yên Bình không có cơ sở nào sản xuất sản phẩm Lạp sườn hun khói và sản phẩm Trâu khô gác bếp theo phản ánh.

– Về hình ảnh sản phẩm “Lạp sườn hun khói – Đặc sản vùng cao My Meat” trên bao bì có hình ảnh, biểu tượng OCOP 3 sao.

 Đoàn kiểm tra, xác minh đã làm việc với Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình. Đối chiếu vào hồ sơ lưu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Bình cung cấp về các sản phẩm OCOP của huyện cho thấy: Trong các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của huyện, huyện Yên Bình không có sản phẩm OCOP 3 sao mang tên “Lạp sườn hun khói – Đặc sản vùng cao My Meat” (như trong hình ảnh).

2. Tiến hành xác minh, rà soát các cơ sở sản xuất theo lĩnh vực quản lý.

– Đối chiếu với danh sách quản lý các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp cho thấy: Không có cơ sở nào mang tên “Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản Đặc Sản Tây Bắc” (địa chỉ tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).

– Về hình ảnh Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 37/2020/CCQLCL-YBi cấp ngày 16/10/2020 được đăng tải trên facebook: https://www.facebook.com/Tongkhothitgacbep do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cấp với nội dung:

          + Cơ sở: Hợp tác xã sản xuất chế biến nông sản đặc sản Tây Bắc.

          + Địa chỉ trụ sở chính: Tổ 5, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Địa chỉ sản xuất: Thôn Đồi Hồi, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

          + Đủ điều kiện để sản xuất kinh doanh sản phẩm: Chế biến cá sấy; Chế biến thịt lợn mán sấy; Chế biến thịt trâu sấy.

          + Số cấp: 37/2020/CCQLCL-Ybi, ngày 16 tháng 10 năm 2020, có hiệu lực đến ngày 16 tháng 10 năm 2023.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khẳng định việc cấp giấy chứng nhận với các thông tin nêu trên là không có thực.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trên cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng./.

Báo cáo kết quả cải cách hành chính 6 tháng đầu năm; Phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Thực hiện Kế hoạch số 01/KH – CCQLCL ngày 10/01/2023 của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản về triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản báo cáo kết quả cải cách hành chính 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 cụ thể như sau:

 I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Để triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC trên địa bàn đảm bảo đúng lộ trình cải cách của Chính phủ, của tỉnh, của ngành, cụ thể hoá các nội dung triển khai Đề án CCHC của Tỉnh, của ngành, trong 06 tháng đầu năm Chi cục đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện gồm: 6 kế hoạch, 03 công văn chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2023. 100% các văn bản chỉ đạo và các thủ tục hành chính được số hoá thông qua môi trường số và hệ thống quản lý thông của đơn vị.

Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm nên tại các cuộc họp, giao ban định kỳ, đột xuất Chi cục đã quán triệt, phổ biến đến toàn thể CBCC thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Văn hoá công vụ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Thường xuyên nhắc nhở CBCC chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, quy định về đạo đức, văn hoá giao tiếp công sở, chế độ hội họp, thời giờ làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và phấn đấu nâng cao hiệu quả trong thực thi chức trách nhiệm vụ.

Việc tuyên truyền công tác cải cách hành chính bằng nhiều hình thức phù hợp như: Lồng ghép, đưa các nội dung, thông tin về CCHC trong các buổi họp giao ban, định kỳ; trong việc tuyên truyền tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm, thuỷ sản thuộc phạm vi Chi cục quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục đã tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với 713 học viên (đạt 106,4% so với kế hoạch). Song song với đó đã thực hiện biên tập, in ấn 18.000 tờ rời, đã cấp phát được 6.500 tờ rời, (đạt 36%) với nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp và thủ tục hành chính thuộc phạm vi thực hiện của Chi cục.

Thường xuyên cập nhật, đăng tải, đưa tin trên trang thông tin điện tử của Chi cục các văn bản chỉ đạo, điều hành và các hoạt động CCHC nổi bật.

2. Kết quả thực hiện cải cách thể chế

Trong 6 tháng đầu năm 2023 đơn vị không ban hành văn bản quy phạm pháp luật nào có liên quan trong lĩnh vực quản lý, mà chủ yếu áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. Tham gia góp ý các dự thảo văn bản pháp luật: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật đất đai (sửa đổi)… Tiếp tục thực hiện việc soạn thảo, ban hành văn bản hành chính đúng quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ; Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác Văn thư, hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính cho toàn thể cán bộ, công chức. Tiến hành kiểm tra, rà soát trước khi phát hành, đảm bảo văn bản phát hành chính xác đúng nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản theo quy định chung.

Thường xuyên nhắc nhở, quán triện cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực trực tiếp làm việc với người dân nghiên cứu kỹ các văn bản chuyên môn, đưa ra các phương pháp để có những tham mưu kịp thời cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Chi cục đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện hành như: Quy chế làm việc của Chi cục; Sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2023 xây dựng kế hoạch, báo cáo về thực hiện rà soát các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý năm 2023. Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được Chi cục triển khai thực hiện theo kế hoạch.

3. Kết quả cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện kế hoạch kiểm soát, rà soát, đánh giá sự cần thiết của TTHC và các quy định có liên quan đến TTHC với mục tiêu quản lý nhà nước và giúp đỡ các tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC  Chi cục đã thực hiện rút ngắn thời gian quy trình nội bộ giải quyết TTHC lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản từ 15 ngày xuống còn 12 ngày. Đẩy mạnh thực hiện số hoá hồ sơ kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm không có thủ tục hành chính, quy định hành chính gây phiền hà, khó khăn trong khi giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.

Kết quả giải quyết TTHC từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/3/2023 như sau: Tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết: 32 hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, cụ thể:

– Số hồ sơ đã giải quyết: 29

– Số hồ sơ giải quyết trước hạn: 29

– Số hồ sơ đang trong thời gian giải quyết: 3

– Số hồ sơ giải quyết quá hạn: 0

– Số hồ sơ trả lại cho tổ chức, cá nhân: 9

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục không nhận được phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về giải quyết TTHC. Ngoài ra, Chi cục đã thực hiện rà soát, thống kê TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Kết quả cải cách tổ chức bộ máy.

Trên cơ sở thông báo giao chỉ tiêu biên chế công chức của Sở, Chi cục đã thực hiện giao chỉ tiêu biên chế đến các phòng và thực hiện bố trí công chức vào vị trí việc làm theo biên chế được giao. Thực hiện đúng quy định về số lượng người làm việc tại chi cục gồm có: 15 biên chế (hiên nay thiếu 01 biên chế) và 02 hợp đồng 68.

Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục đã thực hiện quy trình bổ nhiệm 01 đồng chí lãnh đạo cấp phòng và xây dựng nguồn cán bộ quy hoạch dự bị lâu dài, đơn vị đã tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2026 và giai đoạn 2026-2031 của Chi cục đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.  Tổ chức tuyên truyền, quán triệt phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức Quyết định số 2816/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực, ngạch công chức cao nhất và cơ cấu ngạch công chức của từng vị trí việc làm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức theo danh mục vị trí việc làm đã được phê duyệt tại Quyết định số 2816/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

5. Cải cách chế độ công vụ

Chi cục đã Tổ chức triển khai, thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng cán bộ công chức theo Nghị định 138/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ đúng quy định và theo đúng phân công phân cấp tại Quyết định số 93/QĐ-SNN ngày 11/7/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sắp xếp, bố trí công chức thực hiện công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo và vị trí việc làm, tạo điều kiện cho CBCC phát huy năng lực, sở trường công tác.

Chi cục thực hiện nghiêm túc các quy định của Tỉnh, của Sở về chính sách đãi ngộ, khen thưởng và chế tài xử lý vi phạm trong thực hiện CCHC, đặc biệt đối với cán bộ công chức trực tiếp thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa của Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh và các công chức tham gia thẩm định, xử lý hồ sơ giải quyết các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Chi cục.

Tiếp tục tham mưu thực hiện đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng năm 2023 (đăng ký các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng; cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị….). Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục có 01 công chức tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính, 03 công chức tham gia bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện các chế độ, chính sách đối với CC, NLĐ theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của công chức tại công sở và trong khi thi hành công vụ.

6. Cải cách tài chính công

Chi cục tiếp tục triển khai thực hiện quy chế dân chủ, công khai, minh bạch những quy định phải được công khai trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính tại đơn vị. Thực hiện thanh quyết toán theo đúng quy định. Chi cục đã đề ra định mức, trình tự đối với việc thu chi tài chính, ngân sách và các văn bản quy định của cấp trên. Các báo cáo quyết toán ngân sách đều được công khai niêm yết tại bảng tin của Chi cục để cán bộ, công chức và nhân dân biết. Giám sát thực hiện tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, giảm chi hội nghị, tiếp khách, điện thoại… Cắt giảm tối đa mua sắm các danh mục tài sản công và tiết kiệm trong chi tiêu hành chính.

7. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Công tác chuyển đổi số được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ. Cụ thể:

Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục tiếp nhận, xử lý văn bản, trình duyệt văn bản qua tài khoản trên phần mềm quản lý văn bản (qlvb.yenbai.gov.vn) nên 100% các văn bản được giao và ký đều được số hóa, lưu trữ, luân chuyển, xử lý trên phần mềm V-Office giúp tiết kiệm được thời gian, giấy tờ hành chính và khi thủ trưởng đơn vị đi công tác vẫn xử lý và ký được văn bản chỉ đạo, điều hành.

100% cán bộ công chức của Chi cục đã thực hiện cài đặt YenBai-S, đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử cấp độ 2. Thực hiện cập nhật, kê khai thông tin, cập nhật, bổ sung thông tin về hồ sơ công chức, người lao động của đơn vị đầy đủ, đảm bảo thời gian, quy định và vận hành, khai thác và sử dụng phần mềm. Quán triệt đến toàn thể CBCC thực hiện Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 04/5/2023 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước. Thường xuyên sử dụng tài khoản thư điện tử công vụ trong giải quyết công việc.

Tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính.

Sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YenBai-S (công dân số)… để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, công khai thông tin và hướng dẫn thực hiện, nắm bắt nhu cầu, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì, vận hành hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong giải quyết TTHC, không có hồ sơ bị quá hạn.

Tiếp tục triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Mặt tích cực

– Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được sự quan tâm chỉ đạo, kịp thời của Cấp uỷ, Ban lãnh đạo Chi cục. Trên cơ sở thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở NN và PTNT, căn cứ chức năng, nhiệm vụ Chi cục đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch đề ra.

– Tham mưu ban hành kịp thời, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Chi cục.

– Thực hiện cải cách chế độ công vụ bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo vị trí việc làm được phê duyệt. Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ.

– Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc, giảm thời gian, chi phí.

2. Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

– Cán bộ thực hiện công tác CCHC còn kiêm nhiệm nhiều việc, chủ yếu thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan cấp trên và các cơ quan có thẩm quyền quản lý, điều hành, hướng dẫn công tác CCHC.

– Ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động CCHC còn hạn chế do không có kinh phí cho hoạt động chuyển đổi số.

III. PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH 6 THÁNG CUỐI NĂM

1. Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ. Triển khai nhiệm vụ, công việc phải rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, đôn đốc và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính minh bạch và nhanh gọn, không gây phiền hà cho nhân dân.

2. Làm tốt công tác tổ chức cán bộ, có kế hoạch đào tạo trước mắt và lâu dài để nâng cao trình độ cán bộ tạo điều kiện và giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục học hỏi nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính, kiến thức xã hội, khoa học quản lý, ứng xử giao tiếp.

3. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân được biết về các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Chi cục và khẩu hiệu “Hãy nộp Hồ sơ điện tử để giảm giấy tờ, thời gian và chi phí” để người dân nắm và hiểu rõ hơn về công tác cải cách hành chính.

4. Đẩy mạnh cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hoá văn bản giấy tờ và hồ sơ thủ tục hành chính.

Trên đây là báo cáo kết quả thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản trân trọng báo cáo./.

Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023

Thực hiện công văn số 923/SNN-KHTC ngày 22/5/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản báo cáo cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác tham mưu văn bản

Trong 6 tháng đầu năm 2023, chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 20 văn bản thuộc lĩnh vực được giao, trong đó trọng tâm là những nội dung sau:

– Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Kế hoạch số 07/KH-SNN-QLCL ngày 11/01/2023 Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; Kế hoạch số 27/KH-SNN-QLCL ngày 15/3/2023 Thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản năm 2023; Kế hoạch số 32/KH-SNN-QLCL ngày 24/3/2023 Thực hiện công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023; Công văn số 2750/SNN-QLCL ngày 28/12/2022 về việc phối hợp trong công tác kiểm soát ATTP sản phẩm trâu, bò có nguồn gốc nhập khẩu; Công văn số 2756/SNN-QLCL ngày 29/12/2023 về việc tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm về ATTP và bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường nông, lâm, thủy sản cuối năm 2022 và dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Công văn 54/SNN-CCQLCL ngày 11/01/2023 về việc tham gia ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023; Công văn số 658/SNN-QLCL ngày 14/4/2023  về việc  triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023…

– Về triển khai thực hiện công tác xúc tiến thương mại: Công văn số 2757/SNN-CCQLCL ngày 29/12/2022 về việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Yên Bái; Công văn số 640/SNN-QLCL ngày 11/4/2023 về việc phối hợp tổ chức các gian trưng bày sản phẩm tại chuỗi các Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mô hình du lịch và truyền thông tại tỉnh Yên Bái; Công văn số 523/SNN-QLCL ngày 27/2/023 về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 20/2015/QĐ-UBND về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình XTTM tỉnh Yên Bái…

– Xây dựng các văn bản, báo cáo theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT; các văn bản của các sở ngành: Công văn số 207/SNN-QLCL ngày 10/2/023 về việc xây dựng phương án hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị lĩnh vực nông nghiệp; Công văn số 472/SNN-QLCL ngày 17/3/2023 về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Báo cáo kết quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản tháng 1,2,3,4,5 năm 2023; Báo cáo số 160/BC-SNN ngày 23/5/2023 kết quả triển khai thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.

2. Công tác chỉ đạo điều hành

Trong 6 tháng đầu năm 2023, chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã ban hành 213 văn bản chỉ đạo, điều hành (74 công văn; 52 báo cáo; 39 quyết định; 15 thông báo; 25 kế hoạch và 08 tờ trình) tập trung vào các nội dung:

 Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 135-CTr/TU  ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy.

 Thẩm định, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về điều kiện đảm bảo chất lượng an toàn thưc phẩm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc quyền quản lý.

 Chứng nhận cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định; Tổ chức ký cam kết cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

Công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm. Cải cách hành chính về an toàn thực phẩm; thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.

Thực hiện các Chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành đơn vị, kiện toàn tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực.

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2023

3.1. Phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

Tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với 713 học viên (đạt 106,4% so với kế hoạch), cụ thể:

+ 08 lớp với 413 học viên tham gia, học viên là các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Chi cục.

+ 07 lớp với 300 học viên tham gia là cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức biên tập và in ấn 18.000 tờ rời tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Hiện nay đang tiến hành bàn giao và phát cho các huyện và các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản.

3.2. Công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát ATTP

Theo phân công, phân cấp, tổng số cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của chi cục là 304 cơ sở (276 cơ sở đang hoạt động), trong đó:

– Cơ sở thuộc đối tượng thẩm định theo thông tư 38 là 234 cơ sở[1] (211 cơ sở đang hoạt động). Trong 6 tháng đầu năm 2023, chi cục đã tổ chức thẩm định, kiểm tra, xếp loại đối với 56/211 cơ sở (đạt 26,5%, các cơ sở còn lại đang tiếp tục kiểm tra). Kết quả thẩm định phân xếp loại như sau: 02 cơ sở loại A; 54 cơ sở loại B. Trong quá trình thẩm định chưa phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP.

-Cơ sở thuộc diện ký cam kết là 70 cơ sở[2] (65 cơ sở đang hoạt động), đến nay đã có 69 cơ sở thực hiện ký cam kết. Kết quả 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức kiểm tra được 37/65 cơ sở (đạt 57 %, các cơ sở còn lại đang tiếp tục kiểm tra), các cơ sở cơ bản tuân thủ các nội dung đã ký cam kết.

– Giám sát an toàn thực phẩm: Chi cục đã lấy 128 mẫu nông sản để kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm, cụ thể:

+ 15 mẫu gửi đi phân tích[3]. Kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu.

+ 113 mẫu kiểm tra nhanh bằng dụng cụ Test tại hiện trường[4]. Kết quả 100% mẫu âm tính với chỉ tiêu test nhanh.

– Cử cán bộ tham gia 02 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP năm 2023 (theo Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 27/12/2022; Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 17/4/2023). Kết quả kiểm tra được 76 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý vi phạm 12 cơ sở với số tiền 43,5 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá khoảng 1,5 triệu đồng; lấy 06 mẫu quả nhập khẩu kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc BVTV, kết quả 6/6 mẫu đạt yêu cầu.

3.3. Thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức để cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn và cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn

Thẩm định cho 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm, trong đó cấp 14giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 14 cơ sở đạt yêu cầu và 08 cơ sở không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận chi cục đã ban hành văn bản trả lời cơ sở theo quy định.  Thống kê đến hiện tại số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận là 221/234cơ sở, chiếm 94%.

Xác nhận cho 07 cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thống kê đến hiện tại tổng số cơ sở đã ký cam kết là 69/70cơ sở chiếm 98,5%.

3.4. Công tác tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm

Tiếp nhận 08 bản tự công bố của 08 sản phẩm nông sản thực phẩm của 04 cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chi cục đã lưu trữ hồ sơ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (https://chicucqlclyenbai.gov.vn) theo quy định.

4. Thực hiện Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái

Tổ chức 02 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ Xuân – OCOP đặc sản vùng miền năm 2023 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái từ ngày 06 – 13/01/2023.

Thực hiện Công văn số 107/STC-QLNS ngày 30/01/2023 của Sở Tài chính về việc phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi năm 2023, Chi cục đã triển khai xây dựng đề án và dự toán phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2023 trình Sở Nông nghiệp và PTNT (Công văn số 43/CCQLCL-QLCL ngày 13/3/2023 về việc xây dựng phương án phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2023). Ngày 27/3/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 49/TTr-SNN về việc đề nghị phê duyệt Đề án và phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động XTTM trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2023 gửi Sở Tài chính, Sở Công thương thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thực hiện Công văn số 623/SCT-QLTM ngày 17/3/2023 của Sở Công thương về việc phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn 523/SNN-CCQLCL ngày 27/3/2023 về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 20/2015/QĐ-UBND về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình XTTM tỉnh Yên Bái.

Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố  tổ chức 17 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản, hữu cơ tại chuỗi các Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mô hình du lịch và truyền thông tại tỉnh Yên Bái từ ngày 13-14/4/2023 theo Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 07/4/2023 của UBND tỉnh Yên Bái, Kế hoạch số 40/KH-SNN ngày 10/4/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 10/9/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phát triển thương mại điện tử tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, Chi cục đã phối hợp với Sở Công thương, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái; Bưu điện tỉnh Yên Bái đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đưa tổng số lượt sản phẩm lên sàn thương mại Postmart.vn là 70 lượt sản phẩm đặc trưng; tổng số đơn hàng giao dịch là 1.453 đơn hàng, với doanh thu 240 triệu đồng.

II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa được quản lý kịp thời.

Đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở tuyến huyện, tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc phối hợp quản lý về an toàn thực phẩm ở các địa bàn chưa đồng bộ.

Việc đầu tư nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm rất hạn chế trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu và sơ sài; thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh.

Việc lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm còn ít, chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm như rau, thịt…nên chưa phản ánh đúng đầy đủ thực trạng ATTP. Nhiều hoạt động trong kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm chưa được thực hiện như: Điều tra mối nguy, xác định nguy cơ của các mối nguy đối với ATTP, thực hiện các giải pháp hạn chế mối nguy trong từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm.

III. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023

1. Tiếp tục tham mưu các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 21/02/2023 triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1699/QLCL-CL2 ngày 15/12/2022 của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản về tăng cường giám sát ATTP sản phẩm trâu bò có nguồn gốc nhập khẩu.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

4. Triển khai thực hiện chương trình thẩm định, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

 5. Tiếp tục thực hiện việc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản theo đúng quy định; thực hiện truy xuất nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

6. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn; kết nối tiêu thụ, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; đồng thời, tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Trên đây là báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản trân trọng báo cáo./.


[1] Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc Động vật: 105 cơ sở; Thuỷ sản: 15 cơ sở; Thực vật: 51 cơ sở; chế biến chè: 61 cơ sở và chế biến gia vị: 02 cơ sở

[2] Cơ sở sản xuất, kinh doanh Thuỷ sản: 09 cơ sở; Kinh doanh chè: 3 cơ sở; Thực vật: 58 cơ sở

[3] 03 mẫu thịt trâu đông lạnh; 01 mẫu thịt bò đông lạnh và 02 mẫu thịt sấy phân tích chỉ tiêu chất cấm salbutamol và clenbuterol; 6 mẫu giò, chả, 2 mẫu cá sấy, 1 mẫu khô gà.

[4] 13 mẫu nước ngâm hải sản kiểm tra chỉ tiêu Urê; 20 mẫu gạo, ngũ cốc kiểm tra chỉ tiêu độc tố nấm; 29 mẫu giò chả kiểm tra hàn the, E.Coli, Salmonella; 21 mẫu thịt lợn kiểm tra Salbutamol, Clenbuterol; 13 mẫu rau củ quả kiểm tra thuốc BVTV;13 mẫu thịt gà kiểm tra nhanh chỉ tiêu Choramphenicol; 04 mẫu hải sản kiểm tra nhanh chỉ tiêu Urê