Thực hiện công văn số 923/SNN-KHTC ngày 22/5/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản báo cáo cụ thể như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Công tác tham mưu văn bản
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 20 văn bản thuộc lĩnh vực được giao, trong đó trọng tâm là những nội dung sau:
– Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: Kế hoạch số 07/KH-SNN-QLCL ngày 11/01/2023 Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; Kế hoạch số 27/KH-SNN-QLCL ngày 15/3/2023 Thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản năm 2023; Kế hoạch số 32/KH-SNN-QLCL ngày 24/3/2023 Thực hiện công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023; Công văn số 2750/SNN-QLCL ngày 28/12/2022 về việc phối hợp trong công tác kiểm soát ATTP sản phẩm trâu, bò có nguồn gốc nhập khẩu; Công văn số 2756/SNN-QLCL ngày 29/12/2023 về việc tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm về ATTP và bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường nông, lâm, thủy sản cuối năm 2022 và dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Công văn 54/SNN-CCQLCL ngày 11/01/2023 về việc tham gia ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023; Công văn số 658/SNN-QLCL ngày 14/4/2023 về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2023…
– Về triển khai thực hiện công tác xúc tiến thương mại: Công văn số 2757/SNN-CCQLCL ngày 29/12/2022 về việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Yên Bái; Công văn số 640/SNN-QLCL ngày 11/4/2023 về việc phối hợp tổ chức các gian trưng bày sản phẩm tại chuỗi các Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mô hình du lịch và truyền thông tại tỉnh Yên Bái; Công văn số 523/SNN-QLCL ngày 27/2/023 về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 20/2015/QĐ-UBND về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình XTTM tỉnh Yên Bái…
– Xây dựng các văn bản, báo cáo theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT; các văn bản của các sở ngành: Công văn số 207/SNN-QLCL ngày 10/2/023 về việc xây dựng phương án hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị lĩnh vực nông nghiệp; Công văn số 472/SNN-QLCL ngày 17/3/2023 về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Báo cáo kết quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản tháng 1,2,3,4,5 năm 2023; Báo cáo số 160/BC-SNN ngày 23/5/2023 kết quả triển khai thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.
2. Công tác chỉ đạo điều hành
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã ban hành 213 văn bản chỉ đạo, điều hành (74 công văn; 52 báo cáo; 39 quyết định; 15 thông báo; 25 kế hoạch và 08 tờ trình) tập trung vào các nội dung:
Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy.
Thẩm định, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về điều kiện đảm bảo chất lượng an toàn thưc phẩm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc quyền quản lý.
Chứng nhận cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định; Tổ chức ký cam kết cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn; xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.
Công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về an toàn thực phẩm. Cải cách hành chính về an toàn thực phẩm; thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.
Thực hiện các Chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành đơn vị, kiện toàn tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực.
3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2023
3.1. Phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
Tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản với 713 học viên (đạt 106,4% so với kế hoạch), cụ thể:
+ 08 lớp với 413 học viên tham gia, học viên là các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Chi cục.
+ 07 lớp với 300 học viên tham gia là cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức biên tập và in ấn 18.000 tờ rời tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Hiện nay đang tiến hành bàn giao và phát cho các huyện và các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản.
3.2. Công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát ATTP
Theo phân công, phân cấp, tổng số cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của chi cục là 304 cơ sở (276 cơ sở đang hoạt động), trong đó:
– Cơ sở thuộc đối tượng thẩm định theo thông tư 38 là 234 cơ sở[1] (211 cơ sở đang hoạt động). Trong 6 tháng đầu năm 2023, chi cục đã tổ chức thẩm định, kiểm tra, xếp loại đối với 56/211 cơ sở (đạt 26,5%, các cơ sở còn lại đang tiếp tục kiểm tra). Kết quả thẩm định phân xếp loại như sau: 02 cơ sở loại A; 54 cơ sở loại B. Trong quá trình thẩm định chưa phát hiện cơ sở có hành vi vi phạm các quy định về điều kiện đảm bảo ATTP.
-Cơ sở thuộc diện ký cam kết là 70 cơ sở[2] (65 cơ sở đang hoạt động), đến nay đã có 69 cơ sở thực hiện ký cam kết. Kết quả 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức kiểm tra được 37/65 cơ sở (đạt 57 %, các cơ sở còn lại đang tiếp tục kiểm tra), các cơ sở cơ bản tuân thủ các nội dung đã ký cam kết.
– Giám sát an toàn thực phẩm: Chi cục đã lấy 128 mẫu nông sản để kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm, cụ thể:
+ 15 mẫu gửi đi phân tích[3]. Kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu.
+ 113 mẫu kiểm tra nhanh bằng dụng cụ Test tại hiện trường[4]. Kết quả 100% mẫu âm tính với chỉ tiêu test nhanh.
– Cử cán bộ tham gia 02 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP năm 2023 (theo Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 27/12/2022; Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 17/4/2023). Kết quả kiểm tra được 76 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý vi phạm 12 cơ sở với số tiền 43,5 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá khoảng 1,5 triệu đồng; lấy 06 mẫu quả nhập khẩu kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc BVTV, kết quả 6/6 mẫu đạt yêu cầu.
3.3. Thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức để cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn và cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn
Thẩm định cho 22 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm, trong đó cấp 14giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 14 cơ sở đạt yêu cầu và 08 cơ sở không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận chi cục đã ban hành văn bản trả lời cơ sở theo quy định. Thống kê đến hiện tại số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận là 221/234cơ sở, chiếm 94%.
Xác nhận cho 07 cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thống kê đến hiện tại tổng số cơ sở đã ký cam kết là 69/70cơ sở chiếm 98,5%.
3.4. Công tác tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm
Tiếp nhận 08 bản tự công bố của 08 sản phẩm nông sản thực phẩm của 04 cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chi cục đã lưu trữ hồ sơ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (https://chicucqlclyenbai.gov.vn) theo quy định.
4. Thực hiện Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy Yên Bái
Tổ chức 02 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ Xuân – OCOP đặc sản vùng miền năm 2023 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Yên Bái từ ngày 06 – 13/01/2023.
Thực hiện Công văn số 107/STC-QLNS ngày 30/01/2023 của Sở Tài chính về việc phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi năm 2023, Chi cục đã triển khai xây dựng đề án và dự toán phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2023 trình Sở Nông nghiệp và PTNT (Công văn số 43/CCQLCL-QLCL ngày 13/3/2023 về việc xây dựng phương án phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2023). Ngày 27/3/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 49/TTr-SNN về việc đề nghị phê duyệt Đề án và phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động XTTM trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2023 gửi Sở Tài chính, Sở Công thương thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Thực hiện Công văn số 623/SCT-QLTM ngày 17/3/2023 của Sở Công thương về việc phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn 523/SNN-CCQLCL ngày 27/3/2023 về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định 20/2015/QĐ-UBND về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình XTTM tỉnh Yên Bái.
Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 17 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản, hữu cơ tại chuỗi các Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mô hình du lịch và truyền thông tại tỉnh Yên Bái từ ngày 13-14/4/2023 theo Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 07/4/2023 của UBND tỉnh Yên Bái, Kế hoạch số 40/KH-SNN ngày 10/4/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thực hiện Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 10/9/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phát triển thương mại điện tử tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, Chi cục đã phối hợp với Sở Công thương, Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái; Bưu điện tỉnh Yên Bái đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đưa tổng số lượt sản phẩm lên sàn thương mại Postmart.vn là 70 lượt sản phẩm đặc trưng; tổng số đơn hàng giao dịch là 1.453 đơn hàng, với doanh thu 240 triệu đồng.
II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa được quản lý kịp thời.
Đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở tuyến huyện, tuyến xã chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc phối hợp quản lý về an toàn thực phẩm ở các địa bàn chưa đồng bộ.
Việc đầu tư nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm rất hạn chế trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu và sơ sài; thiếu các phương tiện kiểm tra cơ động và trang thiết bị kiểm tra nhanh.
Việc lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm còn ít, chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm như rau, thịt…nên chưa phản ánh đúng đầy đủ thực trạng ATTP. Nhiều hoạt động trong kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm chưa được thực hiện như: Điều tra mối nguy, xác định nguy cơ của các mối nguy đối với ATTP, thực hiện các giải pháp hạn chế mối nguy trong từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm.
III. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023
1. Tiếp tục tham mưu các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 21/02/2023 triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1699/QLCL-CL2 ngày 15/12/2022 của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản về tăng cường giám sát ATTP sản phẩm trâu bò có nguồn gốc nhập khẩu.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
4. Triển khai thực hiện chương trình thẩm định, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
5. Tiếp tục thực hiện việc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản theo đúng quy định; thực hiện truy xuất nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
6. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn; kết nối tiêu thụ, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; đồng thời, tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Trên đây là báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản trân trọng báo cáo./.
[1] Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc Động vật: 105 cơ sở; Thuỷ sản: 15 cơ sở; Thực vật: 51 cơ sở; chế biến chè: 61 cơ sở và chế biến gia vị: 02 cơ sở
[2] Cơ sở sản xuất, kinh doanh Thuỷ sản: 09 cơ sở; Kinh doanh chè: 3 cơ sở; Thực vật: 58 cơ sở
[3] 03 mẫu thịt trâu đông lạnh; 01 mẫu thịt bò đông lạnh và 02 mẫu thịt sấy phân tích chỉ tiêu chất cấm salbutamol và clenbuterol; 6 mẫu giò, chả, 2 mẫu cá sấy, 1 mẫu khô gà.
[4] 13 mẫu nước ngâm hải sản kiểm tra chỉ tiêu Urê; 20 mẫu gạo, ngũ cốc kiểm tra chỉ tiêu độc tố nấm; 29 mẫu giò chả kiểm tra hàn the, E.Coli, Salmonella; 21 mẫu thịt lợn kiểm tra Salbutamol, Clenbuterol; 13 mẫu rau củ quả kiểm tra thuốc BVTV;13 mẫu thịt gà kiểm tra nhanh chỉ tiêu Choramphenicol; 04 mẫu hải sản kiểm tra nhanh chỉ tiêu Urê