Author Archives: Phòng Nghiệp vụ

THÔNG BÁO: Tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị năm 2024

Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-SNN ngày 18/9/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường ban hành Thông báo số 23/TB-CLCBTT ngày 19/9/2024 về việc tiếp nhận hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị năm 2024, cụ thể như sau:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày: 25/9/2024

Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ: Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái, tổ 1, phường Minh Tân, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái

 

Công đoàn Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Yên Bái thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do bão số 3

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai

Tại Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái, Công đoàn Chi cục cũng đã tổ chức đi thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình CBCNV bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Thăm hỏi, động viên gia đình bị sập gian bếp do sạt lở đất

Theo thống kê về thiệt hại của Công đoàn Chi cục, có 01 gia đình có người mất do sạt lở đất, 01 gia đình bị sập một phần nhà ở, 2 gia đình bị ngập nặng thiệt hại hàng trăm triệu tài sản cùng các gia đình bị ngập một phần và gia đình có nguy cơ sạt taluy phải sơ tán khác.

Thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại tài sản hơn 100 triệu đồng do ngập nặng

Chi cục cũng dự phòng bố trí khu bếp và phòng hội trường để các gia đình CBCNV cần phải sơ tán có thể đến ở tạm thời trong lúc khó khăn, hỗ trợ một số nhu yếu phẩm thiết yếu và động viên các gia đình sớm vượt và khắc phục thiệt hại để ổn định cuộc sống.

Yên Bái ước thiệt hại 1.240 tỷ đồng do bão số 3

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố, tính đến 17h00 ngày 12/9, bão số 3 đã làm 50 người bị chết và mất tích, trong đó người chết do sạt lở đất là 46 người (Thành phố Yên Bái 20 người; Trấn Yên 3 người; Lục Yên 13 người; Văn Chấn 2 người; Văn Yên 8 người); Người bị chết do ngập lũ: 02 (Trấn Yên 01 người; Thành phố Yên Bái 01 người); Người mất tích là 2 người; Thiệt hại 23.350 nhà ở; Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là 4.946 ha; 179 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 21 trường học bị ngập lụt. Nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở.

Điểm ngập tại ngã tư Nam Cường, TP Yên Bái

Ước thiệt hại theo thống kê sơ bộ khoảng 1.240 tỷ đồng. Tỉnh Yên Bái đã huy động trên 31.289 người tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Về phương tiện đã huy động phương tiện của Công ty quản lý đường bộ và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn (129 máy xúc, 14 máy ủi; 322 ô tô 322; 63 xuồng máy; 24 thuyền máy; 11 thuyền nan; 38 máy phát điện; 168 máy cưa xăng….) tập trung hót đất, đá sạt lở để đảm bảo thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường.

Điểm sạt lở đất gây sập nhà tại đường Đặng Dung, TP Yên Bái

Đối với công tác tìm kiếm nạn nhân bị chết do sạt lở đất, ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng Công an, quân sự phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường bị sạt lở, thiệt hại về người huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời hỗ trợ gia đình di dời tạm thời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn, chủ động hỗ trợ kinh phí cho gia đình có người bị chết 25.000.000 đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5.000.000 đồng/người.

Nguồn: CTTĐT

Bản tin thị trường nông sản tháng 8/2024

Tình hình một số điểm chính về thị trường nông sản tháng 8/2024 như sau:

* Về lúa gạo:

Lúa hè thu: Diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước năm nay ước đạt 1.909,8 nghìn ha, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 20/8/2024, cả nước thu hoạch được 1.170,6 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 61,3% diện tích xuống giống và bằng 99,2% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch ước đạt 968,0 nghìn ha, chiếm 65,9% diện tích xuống giống và bằng 98,7% cùng kỳ năm 2023.

Lúa mùa: Tính đến ngày 20/8/2024, cả nước gieo cấy được 1.391,2 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 994,0 nghìn ha, bằng 99,5%; các địa phương phía Nam gieo cấy 397,2 nghìn ha, bằng 100,5%.

Lúa thu đông: Tính đến ngày 20/8/2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 489,1 nghìn ha, bằng 107,4% cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, giá lúa gạo trong nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn khi các doanh nghiệp tập trung tăng cường thu mua để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, cũng như tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nếu tiếp tục giữ đà tăng như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay được dự báo có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới của ngành trồng trọt. Với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều điểm sáng. Chính sách giảm thuế của Philippines được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo, trong khi những bất ổn về nguồn cung của các quốc gia đối thủ tạo ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.

* Về rau, củ, quả:

Diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao. Diện tích rau, đậu tăng nhẹ. Diện tích khoai lang tăng do gần đây có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân tăng diện tích trồng mới.

Giá một số loại quả như xoài Cát Chu trung bình đạt 25.500 VNĐ/kg. Giá dưa hấu trung bình đạt 8.750 VNĐ/kg. Giá sầu riêng Ri 6 (loại đẹp) trung bình đạt 75.250 VNĐ/kg. Giá thanh long ruột trắng trung bình đạt 15.333 VNĐ/kg. Giá cà chua trung bình đạt 21.750 VNĐ/kg.

Xuất nhập khẩu theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 4,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 8 tăng tới hơn 60% so với tháng trước đó. Ngoài ra, việc quả bưởi Việt Nam được xuất khẩu sang Hàn Quốc; sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành rau quả tăng trưởng. Xuất khẩu rau quả chế biến có thể lập kỷ lục đạt 1,4 tỷ USD trong năm nay.

* Về cà phê:

Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 3,8 tỉ USD, giảm 12% về lượng và tăng mạnh 37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu cà phê tăng do giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 15 ngày đầu tháng 8 vừa qua đạt kỷ lục 5.293 USD/tấn, tăng 2.369 USD/tấn (tương đương tăng 81%) so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường về xuất khẩu hạt cà phê nhân Việt Nam giai đoạn 2024-2033, giá hạt cà phê nhân toàn cầu, đặc biệt là Robusta, đã đạt mức cao nhất trong 15 năm. Các nước xuất khẩu cà phê chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn cầu bao gồm Brazil, Việt Nam, Colombia và Ethiopia. Việt Nam là nước cung cấp cà phê Robusta chính trên thế giới, nắm giữ vị thế quan trọng trên thị trường hạt cà phê xanh toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành cà phê là một ngành nông nghiệp quan trọng, đặc biệt là đối với việc sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta. Với điều kiện khí hậu và đất đai thuận lợi, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Việt Nam xuất khẩu khối lượng lớn hạt cà phê nhân, chủ yếu sang các nước tiêu thụ cà phê lớn như Hoa Kỳ, Đức và Ý

* Về chăn nuôi:

Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định. Ước tính tổng số lợn cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2024 tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 3,4%; tổng số bò giảm 0,6%; tổng số trâu giảm 3,5%.

* Về thủy sản:

Sản lượng thủy sản tháng 8/2024 ước đạt 862,3 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 6.090,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.446,5 nghìn tấn, tăng 4%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.643,6 nghìn tấn, tăng 0,9%.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 916 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,32 tỷ USD, tăng 8% so với 7 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú xuất khẩu sang thị trường Nga đạt mức tăng trưởng tốt, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023… Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường giảm như: Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, các tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Nguồn: Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Tổng cục Thống kê

 

 

 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể thu về 5 tỷ USD

Những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng qua, điều này hứa hẹn những kết quả tích cực các tháng cuối năm.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm giữ ở mức 440 USD/tấn; gạo 25% tấm lên mức 547 USD/tấn, tăng 3 USD; gạo tiêu chuẩn 5% tấm lên mức 579 USD/tấn, tăng so với mức 570 USD/tấn so với một tuần trước đó.

Sự gia tăng này không chỉ phản ánh nhu cầu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn cho thấy sự điều chỉnh giá phù hợp với biến động của thị trường toàn cầu, mở ra những triển vọng tươi sáng về việc có thêm các đơn hàng xuất khẩu trong hai tháng tới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, giá lúa gạo trong nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn khi các doanh nghiệp tập trung tăng cường thu mua để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, cũng như tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Với đà tăng này, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới của ngành trồng trọt.

Với các yếu tố hỗ trợ từ thị trường quốc tế, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ còn nhiều điểm sáng. Chính sách giảm thuế của Philippines được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo, trong khi những bất ổn về nguồn cung của các quốc gia đối thủ tạo ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tận dụng cơ hội này để không chỉ gia tăng sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng, hướng đến việc khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Việc giá gạo tăng cao hiện tại không chỉ phản ánh nhu cầu lớn từ các thị trường nhập khẩu mà còn là kết quả của việc cải thiện chất lượng sản phẩm và chiến lược nâng cao giá trị của gạo Việt Nam. Với các hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết cho những tháng tới thì cơ hội gia tăng lượng xuất khẩu gạo lên mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước”, ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh nhận định

Nguồn: Vtv.vn

Tuần hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2024

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), Tập đoàn Central Retail tổ chức Tuần hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2024.

Tuần hàng được diễn ra trong 4 ngày, từ 29-8 đến 1-9 tại Trung tâm thương mại BigC Thăng Long – số 222 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tuần hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn thu hút sự tham gia của 45 tỉnh, thành phố với hơn 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn. Tuần hàng sẽ giới thiệu hơn 1.000 loại sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, thành phố, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền,…

Gian hàng trưng bày sản phẩm của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái

Tại Tuần hàng, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái tham gia với 02 gian hàng trong đó 01 gian là trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh và 01 gian là Không gian văn hóa trà Suối Giàng.

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và PTTT, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT Hà Nội và ông Bùi Mạnh Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT Yên Bái tại gian hàng Không gian văn hóa trà Suối Giàng.

Tuần hàng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của các tỉnh cùng trao đổi kinh nghiệm tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và tăng cường kết nối giao thương, quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường, kích cầu nội địa, đẩy mạnh vị thế sản phẩm nông nghiệp trên thị trường cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc – Quảng Ninh 2024

Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc – Quảng Ninh 2024 diễn ra từ ngày 29/8 đến ngày 03/9/2024 là một sự kiện thương mại quan trọng, mang tính khu vực, tạo cơ hội cho các địa phương quảng bá sản phẩm đặc trưng và phát triển thương hiệu trên toàn quốc.

Hội chợ tổ chức tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ có 257 gian hàng được chia thành 4 khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm. Không gian bên ngoài được bố trí khu gian hàng trưng bày các sản phẩm sinh vật cảnh, gốm sứ, mỹ nghệ… trong và ngoài tỉnh.

Hội chợ với nhiều sản phẩm hấp dẫn, lại được diễn ra đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm mua sắm thú vị cho người dân và du khách. Đồng thời là kênh kết nối, giới thiệu, quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh khu vực Đông Bắc nói chung.

Thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường năm 2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái đã tham gia với 02 gian hàng trưng bày những sản phẩm tiêu biểu của Yên Bái. Các sản phẩm này không chỉ được chọn lọc dựa trên tiêu chí chất lượng cao mà còn thể hiện nét đặc trưng của vùng đất và con người Yên Bái như gạo nếp Tú Lệ, chè Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên, táo mèo, dấm táo mèo, ô mai táo mèo, mứt táo mèo, trà táo mèo, mật ong Mù Cang Chải,… cùng với các sản phẩm từ làng nghề truyền thống.

Gian hàng của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái tại Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc – Quảng Ninh 2024

Việc tham gia hội chợ không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp và hợp tác xã của Yên Bái tiếp cận thị trường mới mà còn giúp học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác trong cả nước. Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc – Quảng Ninh 2024 cũng là dịp để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới phân phối và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức về chất lượng và giá trị của sản phẩm Yên Bái.

Sự tham gia của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái tại Hội chợ OCOP vùng Đông Bắc – Quảng Ninh 2024 là một minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua việc phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm. Hội chợ không chỉ là nơi để giới thiệu sản phẩm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Yên Bái khẳng định thương hiệu và vươn tầm ra thị trường rộng lớn hơn.

Biên tập: Nguyễn Thanh Tùng

Danh sách các bản tự công bố sản phẩm tính đến ngày 27.8.2024

Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái tiếp nhận 11 bản tự công bố sản phẩm, cụ thể:

* Ngày 23/8/2024, tiếp nhận 01 bản tự công bố:

– Cơ sở: Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu Phúc Long

– Địa chỉ: Thôn Yên Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

– Sản phẩm: Quế Bột nguyên chất tiệt trùng

* Ngày 27/8/2024, tiếp nhận 10 bản tự công bố sản phâm:

– Cơ sở: Công ty TNHH thực phẩm Phú Tài

– Địa chỉ: Khu nhà máy, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

– Sản phẩm: Trà (chè) xanh; Trà (chè) Oolong Kim Tuyên; Trà (chè) Oolong Tứ Quý; Trà (chè) Oolong Thanh Tâm; Trà (chè) đen; Trà Lài, Chè Nhài; Trà (chè) Oolong Kim Tuyên nướng; Trà Nam Phương; Trà Oolong Quý Phi; Hồng trà Oolong

=> Danh sách các bản tự công bố tính đến ngày 27/8/2024 như sau:

Xuất nhập khẩu rau quả tăng mạnh

Trong tháng 8 xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 700 triệu USD. Tiếp đà tăng năm 2024, ngành rau quả Việt Nam đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu chạm mốc kỷ lục mới, khoảng 7 tỷ USD

Dự báo tháng 8 xuất khẩu rau quả đạt hơn 700 triệu USD

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỉ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả 8 tháng đạt 1,53 tỉ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cập nhật đến 7 tháng đầu năm, nguồn cung rau quả nhiều nhất mà Việt Nam nhập khẩu là Trung Quốc, Mỹ, Myanmar, Úc… Đáng chú ý, không chỉ trái cây nhập khẩu nhiều mà nhóm rau củ cũng tăng mạnh

Sầu riêng dẫn đầu nhóm rau quả với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024

Xuất khẩu rau quả hướng tới mục tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD

Dự báo hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.

Những con số dự báo trên hoàn toàn có căn cứ khi 7 tháng xuất khẩu rau quả đã đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong Top 10 thị trưởng xuất khẩu rau quả Việt Nam (trừ Hà Lan), mặt hàng này đều có sự tăng trưởng với hai con số. Đặc biệt khi mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam và sầu riêng Tây Nguyên đang bước vào vụ khi Thái Lan đã hết mùa.

 

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Ở khu vực này các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như: EU, Mỹ…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ với TTXVN: Quá trình tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu, vùng trồng cho đến mã số, cơ sở đóng… Cục Bảo vệ thực vật đang quản lý rất sát và trong bối cảnh hội nhập sâu, đòi hỏi toàn chuỗi sản xuất phải cập nhật, đáp ứng được, thậm chí cả trên nhu cầu của thị trường. Đây là yêu cầu tất yếu để xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Dự kiến hết năm 2024, tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu ha, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Tổng sản lượng quả thu hoạch trong 5 tháng đầu năm 2024 là hơn 4,4 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm ước đạt hơn 13,5 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so với năm 2023. Diện tích và sản lượng rau năm 2024 cũng tăng đáng kể khi sản xuất khoảng 1,03 triệu ha, tăng khoảng 30.000 ha so với năm 2023; sản lượng dự kiến đạt 19,7 triệu tấn, cao hơn năm 2023 khoảng 624.000 tấn. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rau cả nước sản xuất khoảng 652.800 ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn, đây chính là nguồn cung dồi dào phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, tại thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu

Nguồn: nguoiduatin.vn

Một số lưu ý về phụ gia thực phẩm khi xuất khẩu sang thị trường Singapore

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có thông cáo về việc phát hiện ra chất cấm Sibutramine có trong thành phần của 3 sản phẩm cà phê là KetoDiet Coffee của Malaysia, ChoCo Premix Coffee và V-SHOU Premium Coffee (chưa rõ xuất xứ). SFA khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hoặc sử dụng các sản phẩm này.

Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore cảnh báo một số sản phẩm có chứa Sibutramine

Sibutramine là thành phần trong thuốc giảm cân và chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ. Sibutramine đã bị cấm tiêu thụ tại Singapore kể từ năm 2010 do nguy cơ gây đau tim, đột quỵ và một số vấn đề về rối loạn hệ thần kinh trung ương cho người sử dụng.

Theo Mục 15 của Đạo luật Kinh doanh thực phẩm của Singapore, việc phân phối thực phẩm không an toàn tại Singapore là bất hợp pháp. Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào vi phạm bất kỳ điều khoản nào của Đạo luật này đều là phạm pháp và bị kết án với mức tiền phạt không quá 5.000 SGD; trường hợp bị kết án lần thứ hai hoặc các lần tiếp theo, mức phạt là không quá 10.000 SGD hoặc/và phạt tù không quá 3 tháng. SFA cho biết sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc đối với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp bán hay cung cấp các sản phẩm thực phẩm không an toàn, có pha trộn với các chất bị cấm.

Singapore là thị trường có yêu cầu cao, khắt khe về an toàn thực phẩm. Việc cập nhật, nắm rõ, chính xác các quy định của sở tại về thực phẩm là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất trong việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm sang thị trường Singapore.

Các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hay sản xuất để bán tại Singapore được quy định trong Quy định về thực phẩm của nước này (Food Regulation).

Các doanh nghiệp có thể tham khảo Quy định về thực phẩm của Singapore và tài liệu hướng dẫn của SFA về các chất phụ gia được phép tại các link tài liệu. Các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam nên thường xuyên tự kiểm tra thành phẩn trong sản phẩm của mình, đảm bảo chỉ dùng các phụ gia thực phẩm được phép và hàm lượng sử dụng nằm trong mức tối đa cho phép theo quy định của Singapore.

Chính vì vậy, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam nên thường xuyên tự kiểm tra thành phần trong sản phẩm của mình, đảm bảo chỉ dùng các phụ gia thực phẩm được phép và hàm lượng sử dụng nằm trong mức tối đa cho phép theo quy định của Singapore. C

Các doanh nghiệp có thể tham khảo Quy định về thực phẩm của Singapore và tài liệu hướng dẫn của SFA về các chất phụ gia được phép tại các địa chỉ sau:

Nguồn: V.A – https://xttm.mard.gov.vn/