Author Archives: Phòng Nghiệp vụ

Phát huy nội lực và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam

Chiều ngày 22/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì tổ chức Hội nghị “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam” nhằm tạo chuyển biến thực chất và triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”

Ảnh: Truyền hình Yên Bái

Đây là sự kiện đầu tiên có quy mô toàn quốc, lớn nhất về Halal với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố cùng 600 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, trong đó có hơn 50 đoàn khách quốc tế đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, trung tâm chứng nhận và các doanh nghiệp Halal uy tín trên thế giới, đại diện ngoại giao của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và thị trường Halal tiêu biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Hội nghị là góp phần thúc đẩy kết nối kinh tế, văn hóa, con người giữa Việt Nam với các nước trên thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ Halal. Nhấn mạnh tiềm năng của thị trường Halal toàn cầu, Thủ tướng khẳng định Việt Nam định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới

Đoàn công tác của tỉnh Yên Bái gồm PCT UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Truyền hình Yên Bái

Phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Việt Nam có nền tảng vững chắc về khoa học và công nghệ để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Halal chất lượng cao, cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế để đẩy mạnh tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực chứng nhận Halal của Việt Nam nhằm nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá cao các tiềm năng, thế mạnh và chiến lược của Việt Nam trong việc tích cực tham gia vào thị trường Halal toàn cầu.

Nguồn: baoquocte.vn

 

Bản tin thị trường nông sản tháng 9/2024

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 tăng 3,20%. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,73%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số nông sản chính tháng 9 như sau:

1. Về sản phẩm lúa, gạo:

So với cùng kỳ năm trước, tổng diện tích gieo trồng lúa cả nước tính đến giữa tháng 9/2024 là 6,94 triệu ha, tăng 0,2%; Tổng diện tích thu hoạch là 5,4 triệu ha, tăng 0,7%; Tổng sản lượng đạt 34,01 triệu tấn, tăng 1,5%.

Tháng 9 năm 2024, giá thu mua lúa bình quân tại các tỉnh ĐBSCL biến động không lớn so với tháng trước. Cụ thể: tại An Giang giá thu mua lúa IR50404 ướt bình quân ở mức 7.525 đồng/kg, giảm 37 đồng/kg so với tháng 8/2024; lúa OM5451 tươi 7.875 đồng/kg, giảm 13 đồng/kg; tại Kiên Giang giá thu mua lúa OM5451 bình quân ở mức 7.900 đồng/kg, tăng 455 đồng/kg

 

2. Về rau, củ, quả:

Sản lượng rau các loại 9 tháng năm 2024 đạt 13.401 nghìn tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dự kiến sản lượng rau các loại năm 2024 đạt 18.648 nghìn tấn (tăng 1,4%)

Diện tích gieo trồng một số loại cây như ngô, đậu tương, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước do hiệu quả kinh tế không cao nên nông dân thu hẹp sản xuất.

Sản xuất cây lâu năm quý III/2024 bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, nhưng tính chung 9 tháng năm 2024 vẫn đạt khá; diện tích cây ăn quả được trồng mới từ những năm trước nay đã vào kỳ thu hoạch; sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá ổn định, người nông dân có lợi nhuận, yên tâm sản xuất. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.795,6 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá dưa hấu, thanh long ruột trắng giảm; giá thanh long ruột đỏ, xoài cát Chu, sầu riêng Ri6 (loại đẹp) tăng so với tháng trước, cụ thể: giá thu mua thanh long ruột đỏ bình quân 27.667 đồng/kg, tăng 6.622 đồng/kg; giá thu mua sầu riêng Ri6 loại 1 ở mức 74.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tháng 8/2024; giá sầu riêng Monthong 86.333 đồng/kg, giảm 1.076 đồng/kg; giá xoài Cát Chu trung bình đạt 24.500 đồng/kg, tăng 250 đồng/kg; giá dưa hấu trung bình đạt 9.000 đồng/kg, giảm 267 đồng/kg,…

Trong 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ
năm ngoái. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít và xoài

3. Về sản phẩm chè:

Sản lượng chè tháng 10 dự kiến đạt 115,5 nghìn tấn, lũy kế 10 tháng đạt 1.099,1 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng. Sản lượng chè tại Yên Bái 10 tháng năm 2024 đạt 57,4 nghìn tấn, xếp thứ 7 trong cả nước.

Giá chè búp tươi ở khu vực phía Bắc tăng so với tháng trước do ảnh hưởng bão lũ và sắp vào các dịp lễ hội. Tại vùng chè Phú Lương, Thái Nguyên giá thu mua chè búp tươi bình quân 34.500 đồng/kg, tăng 5.333 đồng/kg so với tháng 8/2024. Tại Lâm Đồng giá thu mua chè cành 9.700 đồng/kg; chè hạt ở mức 5.400 đồng/kg, giữ ổn định so với tháng trước.

4. Về cà phê, hạt tiêu

– Cà phê: Dự kiến 10 tháng đạt 612,6 nghìn tấn, tập trung nhiều nhất ở Lâm Đồng, Đắk Lắk. Giá cà phê đang tăng cao do thiếu hụt nguồn cung. Giá thu mua cà phê nhân xô bình quân tại Đắk Lắk ở mức 122.500 đồng/kg, tăng 2.093 đồng/kg so với tháng 8/2024; tại Lâm Đồng ở mức 120.725 đồng/kg, tăng 742 đồng/kg

– Hạt tiêu: Giá hạt tiêu tăng so với tháng trước do thiếu nguồn cung, ví dụ tại Đồng Nai giá thu mua hạt tiêu đen bình quân ở mức 152.250 đồng/kg, tăng 14.500 đồng/kg so với tháng 8/2024; tại Bình Phước ở mức 146.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

5. Về chăn nuôi và các sản phẩm chăn nuôi

– Lợn: Tình hình chăn nuôi lợn có nhiều khởi sắc do giá bán thịt hơi tăng đều trên cả nước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3.835 nghìn tấn tăng 5,2% so với cùng kỳ năm
trước

– Trâu, bò: Đàn trâu, bò có xu hướng giảm so với cùng thời điểm năm 2023. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 378,1 nghìn tấn, tăng 1,3%, giá thu mua thịt bò hơi không có nhiều biến động;

– Gia cầm: Chăn nuôi gia cầm duy trì tăng trưởng ổn định, dịch bệnh được kiểm soát Sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 1.822 nghìn tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng trứng ước đạt 14.955 triệu quả tăng 5% so với cùng kỳ năm trước do tổng đàn gia cầm trên cả nước tăng, giá trứng gà tăng nhẹ so với tháng trước.

6. Về thủy sản

Sản lượng thủy sản quý III/2024 ước đạt 2.638,4 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đạt 7.019,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với năm 2023, trong đó khai thác đạt 2.974,3 nghìn tấn, nuôi trồng đạt 4.044,8 nghìn tấn.

Nguồn: Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Tổng cục Thống kê; Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn

Danh sách các bản tự công bố sản phẩm tính đến ngày 09.10.2024

Ngày 09/10/2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái tiếp nhận 02 bản tự công bố sản phẩm của 01 cơ sở, cụ thể:

– Tên cơ sở: HTX thực phẩm Dung Độ giò chả sạch 3 không

– Địa chỉ: Tổ 13, phường Yên Ninh, TP Yên Bái

– Sản phẩm: Nem nắm; Chả quế

=> Danh sách các bản tự công bố tính đến ngày 09.10.2024 như sau:

THÔNG BÁO: Doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ điều kiện được hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị năm 2024

– Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày 12/6/2017;
Căn cứ Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV;
– Căn cứ Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV;
– Căn cứ Thông tư số 52/2023/TT-BTC ngày 08/8/2023 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ;
– Căn cứ Quyết định số 1358/QĐ-KHĐT ngày 03/8/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Bộ công cụ đánh giá doanh nghiệp nhỏ và vừa tiềm năng tham gia chuỗi giá trị;
– Căn cứ Quyết định số 89/QĐ-CLCBTT ngày 26/9/2024 của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về việc Thành lập Tổ thẩm định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị lĩnh vực nông nghiệp năm 2024;
– Căn cứ hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị của các doanh nghiệp nộp đến Chi cục;
– Căn cứ kết quả thẩm định của Tổ thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị lĩnh vực nông nghiệp năm 2024;
Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông báo về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nông nghiệp, cụ thể như sau:

1. Công ty TNHH chè Bình Thuận:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

2. Công ty cổ phần chè Shan tuyết Nậm Búng:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

3. Công ty TNHH Thanh An Văn Chấn:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

4. Công ty cổ phần Yên Thành:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

5. Công ty cổ phần NYA:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

6. Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

7. Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam:

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường trân trọng thông báo./

 

Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024: Nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt

Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp cùng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường; Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tổ chức. Hội chợ Làng nghề Việt Nam diễn ra từ ngày 3-6/10/2024 tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp, Hà Nội.

Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 diễn ra từ ngày 3-6/10/2024. Ảnh: Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT tỉnh Yên Bái

Hội chợ Làng nghề là sự kiện thường niên của ngành nông nghiệp. Năm 2024, Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ giỏi và các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; qua đó, kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Gian hàng của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái

Với quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn và trên 1000m2 diện tích đất trưng bày được thiết kế, trang trí đặc biệt, Hội chợ sẽ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; chiếu cói Nga Sơn, Hương Quốc Tuấn, Gốm Chu Đậu, Gỗ Đông Giao, bạc Châu Khê, gốm Phù Lãng, giầy da Hoàng Diệu, tranh ghép gỗ, thổ cẩm Mai Châu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên, gỗ lũa mỹ nghệ, trầm hương Quảng Nam, mỹ nghệ từ vỏ quế, mỹ nghệ từ sò ốc Bà Rịa Vũng Tàu, chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc, dệt chiếu Long Định, sản phẩm làng nghề bàng buông Tân Hòa Thành,

Ngoài ra, Hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nông sản hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước, điển hình như: Gạo sén cù Lào Cai, cà phê Đắk Lắk, chè Thái Nguyên, trà hoa vàng Quy Hoa, bánh đa nem làng Chều, mỳ chũ Bắc Giang, bánh phồng Cái Bè, bánh đa Lộ Cương, rượu Phú Lộc, nem chua Thanh Hóa, giò me Nghệ An, yến sào Khánh Hòa, thạch đen Cao Bằng, nước mắm, hải sản Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc, mắm tôm, mắm tép Ba Làng, thanh long Bình Thuận, sầu riêng Đắk Nông, rau củ quả Mộc Châu….

Thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường năm 2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái đã tham gia với 02 gian hàng trưng bày những sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh Yên Bái. Hội chợ là cơ hội để các sản phẩm của Yên Bái được giới thiệu đến người tiêu dùng, góp phần nâng cao độ nhận diện thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Gian hàng của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái

Ban tổ chức Hội chợ Làng nghề kỳ vọng đây sẽ là một trong các sự kiện tôn vinh các sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng mới, cho ra những tác phẩm phát huy giá trị văn hóa lịch sử của làng nghề, sản phẩm có tính sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, có tính ứng dụng cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.

Nguồn tham khảo: agroviet.com.vn

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc

Lễ hội được tổ chức tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh, một chợ đầu mối hoa quả thuộc diện lớn trong vùng, phân phối tất cả các loại trái cây của thế giới nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Với chủ đề “Trái cây Việt Nam – Bốn mùa thơm ngon”, lễ hội được tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc.

Lễ hội trái cây dự kiến tổ chức từ ngày 29-30/9 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thắm.

Không gian chính của lễ hội là khu gian hàng với 12 đảo, trưng bày sản phẩm theo chuyên đề các loại trái cây và khoai lang đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, 1 đảo khác sẽ là sản phẩm tổng hợp để các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, giới thiệu và phục vụ khách tham quan trải nghiệm sản phẩm.

Lễ hội là bước triển khai tiếp theo từ những kết quả đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/8.

Dựa trên sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, lễ hội đã gấp rút được kế hoạch trong vòng một tháng và tổ chức nhằm kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc do Bộ Công thương và Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh.

Lễ hội là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu, cũng như tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương. Ảnh: Hồng Thắm.

Sự kiện này sẽ là cơ sở, là kinh nghiệm tổ chức các lễ hội chuyên ngành thường xuyên hơn trong tương lai, không chỉ ở Bắc Kinh mà còn ở các tỉnh, thành phố ở phía Bắc Trung Quốc, tạo tiền đề cho việc kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị Trung Quốc cũng như các quốc gia lân cận như Liên bang Nga, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển tốt đẹp thời gian qua. Đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc hồi tháng 8/2024, 3 nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu đã được hai bên ký kết.

Nhiều sản phẩm và thương hiệu rau quả có chỗ đứng vững chắc tại Trung Quốc, được người tiêu dùng ưa chuộng như sầu riêng, nhãn, chuối…

Do đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Việt Nam sang chính ngạch kết hợp với quảng bá về hình ảnh và thương hiệu. Đây là phương pháp phát triển xuất khẩu bền vững và thu được giá trị cao hơn, đi sâu hơn nữa vào thị trường Trung Quốc.

Nguồn: Nongnghiep.vn

Danh sách các bản tự công bố sản phẩm tính đến ngày 27.9.2024

Ngày 27/9/2024, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Yên Bái tiếp nhận 04 bản tự công bố sản phẩm của 01 cơ sở, cụ thể:

– Tên cơ sở: HTX sản xuất và đầu tư Hoàng Liên Sơn

– Địa chỉ: Thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

– Sản phẩm: Bạch trà; Hồng trà; Trà xanh; Hoàng trà

=> Danh sách các bản tự công bố tính đến ngày 27.9.2024 như sau:

Buổi làm việc của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái với Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, hôm nay ngày 25/9/2024, đồng chí Hoàng Hữu Độ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhằm nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để có những giải pháp định hướng, chỉ đạo kịp thời.

Đồng chí Hoàng Hữu Độ – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái

Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Mạnh Hùng (Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT) đã đọc báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Chi cục trong thời gian qua và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Bùi Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và PTTT trình bày báo cáo những kết quả chính trong thực hiện nhiệm vụ của Chi cục thời gian qua

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ của Chi cục như khó khăn về quy chế xúc tiến thương mại, biến chế, phương tiện thực hiện nhiệm vụ,…, đồng chí Giám đốc Sở đã tiếp thu và có ý kiến định hướng, chỉ đạo kịp thời.

Cuối cùng, đồng chí Giám đốc Sở cũng đã hỏi thăm và chia sẻ với các đồng chí có gia đình bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra và động viên các đồng chí vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai tại Yên Bái

Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 – Yagi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa to gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn về người, cơ sở hạ tầng, nhà ở và sản xuất. Ngày 20/9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm, hỗ trợ, tặng quà người dân bị thiệt hại do bão lũ tại tỉnh Yên Bái.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra.tình hình thiệt hại tại Thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình

Theo báo cáo của UBND tỉnh, Yên Bái là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu cơn bão số 3. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 53 người chết, 1 người mất tích và 42 người bị thương, 25.065 nhà ở sập đổ và hư hỏng. Toàn tỉnh có trên 7 nghìn ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng. Nhiều công trình hạ tầng, thông tin liên lạc bị thiệt hại, hư hỏng. Ước tính thiệt hại hơn 5.738 tỷ đồng.

Riêng đối với thiệt hại, ảnh hưởng đối với sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó, lúa 3.136,6 ha; ngô, rau màu 1.406,4 ha; cây công nghiệp (chè, dâu, quế, dong riềng) 821,5 ha; cây lâm nghiệp 314,1 ha; cây ăn quả 237,3 ha. Thiệt hại về chăn nuôi: 353.520  con  gia súc, gia cầm  (trâu  57 con, bò 1 con, dê 19 con, lợn 7.166 con; gia cầm 346.257 con; nhím 18 con, hươu 02 con). Thiệt hại về thủy sản, diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và  vỡ bờ 794,2  ha;  huyện Trạm Tấu  vỡ bờ  06 ao cá, ước tính 545kg, huyện Trấn Yên 109m3 lồng cá; 7,2 tạ cá tầm thịt và 2.000 con cá tầm giống.

Trước những thiệt hại nói trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái đã có văn bản chỉ đạo ứng phó, khắc phục tới các địa phương và các đơn vị trong ngành, thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở phối hợp rà soát, thống kê thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp, các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn; hướng dẫn các biện pháp khôi phục sản xuất; phục hồi các công trình thủy lợi, nước sạch bị hư hỏng; các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Tổng hợp đề xuất và phương án khắc phục của địa phương để tham mưu cho Sở đề xuất các chính sách hỗ trợ sản xuất kịp thời.

Tại buổi làm việc với tỉnh Yên Bái, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh các vấn đề trọng tâm tỉnh Yên Bái cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới, như: Cần khẩn trương có những phương án ổn định chỗ ở cho bà con, đặc biệt quan tâm tới những bà con bị mất trắng nhà cửa và có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Rà soát, phân loại các đối tượng bị ảnh hưởng và có báo cáo sớm để Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp trình Chính phủ và có sự hỗ trợ thiết thực, phù hợp, sát thực tế; Tỉnh cần quan tâm, ổn dịnh sản xuất, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân sau lũ; Địa phương cần khảo sát tình hình giống cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ kịp thời. Ngoài cây ngô, lúa, tới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng các dự án về trồng quế, dâu, măng tre bát độ…; Cần quan tâm hệ thống kè, đê điều, thủy lợi, lưu ý việc cải tạo lại mặt bằng sản xuất, giúp người dân sớm có thể sản xuất trở lại…

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ủng hộ tỉnh Yên Bái 3,500 lít hóa chất sát trùng xử lý môi trường, chế phẩm sinh học, men vi sinh, 200 kg B Complex, Premix khoáng và các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn khôi phục sản xuất.

Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ủng hộ xã Tân Phượng, huyện Lục Yên 200 triệu đồng; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ủng hộ tỉnh Yên Bái 3,500  lít hóa chất sát trùng xử lý môi trường, chế phẩm sinh học, men vi sinh, 200 kg B Complex, Premix khoáng và các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn khôi phục sản xuất; Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup đã trao tặng cho hoạt động khuyến nông hỗ trợ các tỉnh khôi phục sản xuất sau bão lũ với số tiền 3 tỷ 554 triệu đồng./

Nguồn: T.H (mard.gov.vn)